Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Do cơ địa của người bệnh và sự tiếp xúc với chất gây dị ứng, có thể gặp các thể bệnh viêm mũi dị ứng sau đây: viêm mũi dị ứng theo mùa, chất gây dị ứng thường gặp là bụi nấm mốc, phấn hoa, không khí lạnh…; viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp gặp ở những người làm các nghề phải tiếp xúc với các yếu tố như: bụi gỗ, hóa chất, hơi xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hơi nhựa, cao su…
Viêm mũi dị ứng quanh năm gặp ở bệnh nhân mà trong nhà của họ có các chất là dị ứng nguyên như: bụi nhà, lông chó mèo, bụi vải, quần áo, chăn màn, đồ chơi, côn trùng như gián, dĩn, mò, bọ chét… Tuy nhiên, bệnh chỉ xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nói trên, khi không tiếp xúc nữa thì các triệu chứng viêm mũi dị ứng cũng hết.
Viêm mũi dị ứng có ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn
Các bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn có điểm chung là dị ứng; mũi và phế quản thuộc cơ quan hô hấp nên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một nghiên cứu cho thấy: trên 80% người bị suyễn có bị viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát hen suyễn. Nhưng khi điều trị tốt, viêm mũi dị ứng có thể làm giảm cơn suyễn. Viêm mũi dị ứng gây nghẹt mũi, làm cho bệnh nhân mất ngủ và mất ngủ lại dễ bị lên cơn hen.
Điều trị viêm mũi dị ứng thường dùng glucocorticoid xịt mũi để chống viêm, cũng tương tự thuốc điều trị hen suyễn. Do đó khi dùng thuốc loại này có tác dụng cho cả hai bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Vì triệu chứng của hen suyễn thường che lấp triệu chứng viêm mũi dị ứng, nên đối với bệnh nhân bị hen suyễn, cần kiểm tra xem có bị viêm mũi dị ứng không. Mùa lạnh, cả hai bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn đều có thể bùng phát và tăng nặng nên bệnh nhân cần lưu ý đề phòng.
Dấu hiệu viêm mũi dị ứng
Sau khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên nói trên, bạn thấy xuất hiện một số hay nhiều triệu chứng sau đây là đã bị viêm mũi dị ứng: đau họng thường xuyên, khàn giọng ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng; nhảy mũi, thường là từng tràng dài; chảy nước mũi, nghẹt mũi; mũi mất ngửi; thường phải thở bằng miệng, nhất là lúc ngủ, hay ngáy ngủ, nhức đầu; trẻ em hay bị viêm tai giữa, ho, nhất là lúc nằm ngủ ban đêm.
Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh
Người ta sử dụng nhiều loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, nhưng hiệu quả nhất là các thuốc xịt glucocorticoid, bởi thuốc làm giảm viêm niêm mạc mũi, nhưng phải xịt đều đặn và lâu dài mới đạt được kết quả tốt nhất. Những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa thì không cần phải dùng thuốc liên tục. Còn người đã bị bệnh lâu năm, khi biết sắp có triệu chứng viêm mũi dị ứng nên dùng thuốc xịt khoảng 6 tuần rồi ngưng, thường thuốc xịt đạt được tác dụng sau 2 tuần dùng thuốc. Thuốc kháng histamin dạng uống có thể dùng một hay phối hợp với các thuốc khác, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi…
Bệnh nhân vừa bị viêm mũi dị ứng vừa bị hen suyễn, phải chú ý rằng các thuốc kháng histamin mà dùng kéo dài có thể làm tình trạng hen suyễn nặng thêm. Người bị nghẹt mũi nhiều nên dùng thuốc giảm sung huyết mũi vì rất hiệu quả, nhưng chỉ nên dùng vài ba ngày, người bị tăng huyết áp phải dùng thận trọng. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp tốt giúp làm sạch niêm mạc mũi, hạn chế viêm.
Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần tránh: hút thuốc và ngồi gần người hút thuốc lá, vì khói thuốc làm cho viêm mũi dị ứng và hen suyễn nặng hơn. Một dị ứng nguyên có thể gây ra cả hen suyễn lẫn viêm mũi dị ứng, nên bệnh nhân cần biết để tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên này.
Bạn nên thường xuyên giặt sạch chăn màn, ga, vỏ gối… Không nên nuôi chó mèo, chim trong nhà, tránh tắm cho thú hoặc tiếp xúc với thú nuôi. Nếu không nuôi thú nữa thì phải làm vệ sinh sạch sẽ tường, sàn nhà, chú ý rằng các chất gây dị ứng từ thú nuôi có thể còn dính trong quần áo và một số bề mặt đồ vật trong nhà một thời gian dài sau khi đã loại bỏ thú nuôi. Bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh hít phải khói thuốc, khói xe, nước hoa, mùi hoa quả thực phẩm ôi thiu, xăng dầu, bụi đường.
Tác giả: ThS. Phạm Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn