TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀhttps://trungtamytethachha.vn/uploads/logo-bv-thach-ha.png
Thứ sáu - 30/12/2016 04:26
Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nhiễm virút viêm gan B mãn khá cao (15-20%). Hiểu rõ bệnh này sẽ giúp mọi người có thái độ thích hợp trong theo dõi điều trị và phòng ngừa.
Bệnh viêm gan B - gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi B - gây ra do một loại virút được đặt tên là “virút viêm gan B” (viết tắt là HBV). Gồm những thể bệnh nào?
* Viêm gan B cấp: - Triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, tiểu sậm màu, vàng da, vàng mắt, xét nghiệm có men gan tăng cao. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, triệu chứng rất mờ nhạt, không ồ ạt, mà chỉ là tiểu sậm màu thoáng qua, ăn kém. - Khả năng hồi phục tùy thuộc độ tuổi bị mắc bệnh. Nếu mắc bệnh dưới 10 tuổi, nhất là dưới 1 tuổi, thì 90% trường hợp virút vẫn tồn tại âm thầm trong cơ thể nhiều tháng, nhiều năm gây ra nhiễm viêm gan B mãn. Ngược lại nếu nhiễm bệnh tuổi trên 10 - nhất là trên 18 tuổi - 90% trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn.
* Nhiễm viêm gan B mãn thể ngủ yên: Virút viêm gan B nằm yên, sinh sản kém với lượng virút trong máu âm tính hoặc rất thấp, không tấn công gan nên xét nghiệm men gan và chức năng gan cũng còn khá tốt.
* Nhiễm viêm gan B mãn thể hoạt động (viêm gan siêu vi B mãn): Bệnh nhân thường trên 30 tuổi, có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu hơn so với trước đây dù không đi nắng nhiều, xuất hiện các nốt đỏ ở da ngực, da lưng. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân không triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe. Ở thể này virút có thể sinh sản nhiều, rất nhiều hoặc vừa phải nhưng quan trọng là virút bắt đầu tấn công gan, làm gan to ra, không còn mềm mại nữa và xét nghiệm có men gan tăng cao. Bệnh nhân viêm gan B mãn cần làm gì? Nên đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được làm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm xác định bệnh thể ngủ yên, thể người lành mang mầm hay thể hoạt động: + Nếu ở thể hoạt động, cần được điều trị thuốc thích hợp ngay lập tức. + Nếu ở thể ngủ yên hay thể người lành mang mầm, cần theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng xét nghiệm đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virút để phát hiện kịp thời khi bệnh chuyển sang thể hoạt động. - Bỏ rượu bia. - Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất sắt như thịt bò, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh đậm như cải xoong vì dễ gây ứ đọng chất sắt trong cơ thể và trong gan. - Nên uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây như cà chua, bưởi, cam, cá biển do có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium. Nhiễm viêm gan B có nên mang thai? Tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được xác định ở thể hoạt động hay ở thể người lành mang mầm, thể ngủ yên. Nếu không phải thể hoạt động: - Có thai bình thường. - Theo dõi với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật trong thời gian mang thai. - Phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con: + Chủng ngừa với kháng thể thụ động (HBIg) đồng thời với tiêm liều văcxin phòng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 12 giờ sau sinh. Sau đó tiếp tục tiêm ngừa văcxin viêm gan B liều thứ hai khi bé được 1-2 tháng và liều thứ ba khi bé được 6 tháng. + Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường nếu trẻ được chích ngừa đủ, trừ khi đầu vú mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu. - Nếu thể hoạt động: + Theo dõi và điều trị với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật. + Khi bệnh ổn định có thể ngưng thuốc và có thai bình thường. + Khi mang thai cần theo dõi vì có thể bệnh sẽ hoạt động trở lại.
Lưu ý khi dùng thuốc: Cần lưu ý dùng thuốc thời điểm bệnh ở thể hoạt động mới đạt hiệu quả cao. Thuốc điều trị có hai nhóm chính: + Nhóm thuốc uống: ít tác dụng phụ, cần điều trị duy trì kéo dài. Dùng thuốc tối thiểu 3-5 năm. + Nhóm thuốc chích: với ưu điểm là kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta tự tiêu diệt virút, chỉ cần dùng trong một năm, khả năng duy trì đáp ứng tốt sau 2-3 năm ngưng thuốc, nhược điểm là có nhiều tác dụng phụ.