Bệnh nhân Nguyễn Văn C., xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, nhập viện trong trình trạng ho ra máu, sút cân, mệt mỏi, khó thở. Qua thăm khám các bác sỹ khẳng định bị bệnh lao phổi nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Tôi bị ho, mệt mỏi, sốt về chiều tối, nhưng cứ nghĩ là bị cảm cúm nên mua thuốc về uống. Sau 5 ngày uống thuốc, bệnh vẫn không khỏi mà còn nặng hơn, đến khi thấy ho ra máu đến Bệnh viện Phổi khám thì phát hiện ra bệnh lao phổi”.
Trong những năm qua hoạt động phòng chống lao tại Hà Tĩnh đã triển khai tích cực tại 12/12 huyện, thị, thành phố và 100% các xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Năm 2020, toàn tỉnh phát hiện và thu nhận điều trị 755 người bệnh lao các thể (tương đương 58/100.000 dân), riêng lao kháng thuốc là 14 bệnh nhân. Bệnh nhân mắc lao chủ yếu đang trong độ tuổi lao động (từ 18 đến 60 tuổi) chiếm 67,02 %.
Riêng tại Bệnh viện Phổi, năm 2020 bệnh viện đã quản lý, điều trị 315 bệnh nhân lao các thể và thu dung điều trị 14 bệnh nhân lao kháng thuốc. Để phát hiện bệnh nhân lao cũng như lao kháng thuốc. Bệnh viện Phổi đã tập trung đào tạo đội ngũ bác sỹ trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong điều trị bệnh lao. Có nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh lao và lao kháng thuốc như: máy xét nghiệm Xpert, máy chụp X-quang phổi kỹ thuật số, máy xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang...
Bệnh viện cũng đã thực hiện quản lý điều trị Lao kháng thuốc, quản lý điều trị ngoại trú Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản. Triển khai khám phát hiện chủ động bệnh lao bằng chụp X-quang phổi, xét nghiệm AFB trực tiếp và Gen-Xpert MTB/RIF tại một số địa phương nhằm phát hiện sớm và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Duy trì hoạt động mạng lưới phòng chống lao các tuyến có chất lượng, có sự phối hợp giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.
Bác sĩ Đinh Văn Tuấn, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: “Cơ chế lây bệnh lao rất nguy hiểm vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Do vậy, mỗi người khi có một trong các triệu chứng như: Ho kéo dài trên 2 tuần; người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở thì nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyển thẳng lên Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh. Thuốc chữa lao hoàn toàn miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hoặc chữa trị tại phòng khám tư, để tránh các biến chứng và tử vong”.
Đối với những người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Không được khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang. Phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày. Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng. Để phòng bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin phòng chống lao BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao. Có lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, thuốc lào, tập thể dục đều dặn, tăng cường các chất dinh dưỡng hợp lý, bác sĩ Đinh Văn Tuấn cho biết thêm.