Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Bệnh nhân Nguyễn Đình Kiên, 66 tuổi, ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang bị bệnh glôcôm thứ phát do đục thủy tinh, đã được các bác sĩ của bệnh viện Mắt Hà Tĩnh phẫu thuật cắt bè điều trị glôcôm và thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phacô. Bệnh nhân Kiên chia sẻ: “Mắt trái của tôi bị nhìn mời, nhức mỏi từ lâu, nhưng do chủ quan không đi khám mà mua thuốc ở các hiệu thuốc tây về uống. Do đó, bệnh không đỡ mà lại nặng hơn. Vào bệnh viện Mắt khám thị lực chỉ còn1/10. Sau 10 ngày điều trị được các y, bác sĩ chăm sóc tốt nên thị lực đã được cải thiện lên 5/10”.
Còn bệnh nhân Trần Thị Hà, 36 tuổi, xã Sơn Lộc, Can Lộc vào điều trị trong tình trạng đau nhức hai mắt, đau đầu, chống mặt, buồn nôn. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện bị bệnh glôcôm thể mi. Bệnh nhân Hà tâm sự: “Cách đây 6 năm tôi đi khám bệnh vô tình phát hiện glôcôm, do bệnh còn nhẹ nên chỉ dùng thuốc. Mặc dù được bác sĩ khuyên đi khám định kỳ nhưng tôi không thực hiện nên bệnh đã tái phát bệnh nhiều lần, nhưng lần này bệnh nặng nên phải nhập viện điều trị theo dõi, nếu uống thuốc không đáp ứng thì phải phẫu thuật”.
Đây là hai trong rất nhiều bệnh nhân do chủ quan nên bệnh nặng. Theo bác sĩ Lê Công Đức, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh: “Thời gian gần đây qua thăm khám phát hiện nhiều trường hợp glôcôm nhãn áp không cao, đây là một hình thái đặc biệt của glôcôm góc mở, với các trường hợp này không có triệu chứng rõ ràng, do vậy người dân thường rất chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh trở nặng. Một số trường hợp phát hiện bệnh rất ngẫu nhiên qua việc khám sức khỏe định kỳ. Với những trường hợp phát hiện muộn, việc điều trị glôcôm rất khó khăn, không thể phục hồi mà chỉ giữ được thị lực hiện tại, hoặc nặng hơn là bị mù vĩnh viễn”.
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh KCB cho hơn 100 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 80 bệnh nhân, trong đó có 5 đến 10 bệnh nhân điều trị glôcôm. Trong nhiều trường hợp glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiếp tục tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác. Bên cạnh đó trên nhiều người bệnh mặc dù nhãn áp đã được điều chỉnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhưng vẫn tiếp tục bị tổn hại thực thể và chức năng vì mức nhãn áp “điều chỉnh” đó hoặc mức dao động nhãn áp trong ngày chưa an toàn cho thị thần kinh.
Vì vậy, người bệnh glôcôm cần phải được chăm sóc theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Ngoài ra, những người trên 35 tuổi cần đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được phát hiện và điều trị kịp thời. Đối với những bệnh nhân glôcôm đã được lập sổ theo dõi cần đi khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Hưởng ứng tuần lễ glôcôm Thế giới năm 2021 (từ ngày 07 đến hết ngày 14/3), bệnh viện Mắt Hà Tĩnh tổ chức khám sàng lọc glôcôm miễn phí cho tất cả người dân trên địa bàn Hà Tĩnh, nhằm phát hiện sớm các bệnh về mắt cho người dân, đem lại ánh sáng cho người bệnh.
Bác sĩ Lê Công Đức, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: Bệnh glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glôcôm là mù loà vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Bệnh glôcôm rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện lâm sàng cấp tính như: đau nhức mắt đột ngột dữ dội, lan lên đỉnh đầu; mắt đỏ, mi nề, sợ ánh sáng, chảy nước mắt; bệnh nhân nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ nên người bệnh thường đi khám chữa ngay để thoát khỏi cơn đau nhức mắt. Còn glôcôm góc mở là hình thái bệnh mãn tính, không triệu chứng hoặc triệu chứng rất âm ỉ, mờ nhạt, khó nhận biết. Do vậy, người bệnh thường chủ quan, không đi khám, đến khi bệnh nặng thì đã quá muộn./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn