Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Bệnh nhân H ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi nghe nói người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao hơn người bình thường. Vì vậy, khi bác sĩ tư vấn tôi liền đi tầm soát bệnh, nhưng may mắn là chưa bị lao. Bác sĩ khuyên điều trị lao tiềm ẩn, nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh lao, nên tôi tích cực tuân thủ điều trị, tránh nguy cơ lây bệnh lao cho gia đình và những người xung quanh”.
Không chủ động như bệnh nhân H, một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhưng không quan tâm sàng lọc và điều trị dự phòng, nên khi phát hiện đến điều trị lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh thì sức khỏe đã suy kiệt, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều trị.
“Từ đầu năm đến nay Bệnh viện Phổi đã làm xét nghiệm cho 278 bệnh nhân, phát hiện 02 bệnh nhân đồng nhiễm lao/ HIV. Việc điều trị cho bệnh nhân lao/HIV gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn bệnh nhân nghèo, mặc cảm với bệnh, không phối hợp điều trị. Trước khi điều trị, các bác sỹ phải làm tư tưởng rất nhiều. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc, tổn thương gan, thận, bệnh nhân rất mệt. Người nhà ít quan tâm, chăm sóc nên bệnh nhân hay bỏ trị. Để điều trị thành công một ca bệnh lao/HIV các bác sỹ và bệnh nhân phải nỗ lực rất nhiều ”, bác sĩ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết.
Người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao cao từ 10 đến 30 lần người không nhiễm và từ nhiễm lao chuyển thành bệnh lao là 10% cho 1 năm. Khả năng mắc bệnh lao của người nhiễm HIV là 50%. Việc phối hợp giữa công tác phòng chống lao và HIV đã góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm Lao và HIV để điều trị, tránh lây lan cho những người khác, giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh HIV.
Ngành Y tế Hà Tĩnh đang tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị miễn phí. Nâng cao năng lực cho phòng xét nghiệm ở các huyện; tăng cường chế độ báo cáo, phản hồi từ tuyến xã, phường đến tỉnh, trung ương; phối hợp phát hiện lao/HIV sớm ở các trại giam và trung tâm giáo dưỡng; tăng cường phối hợp chương trình chống lao và chương trình phòng chống HIV/AIDS; mở rộng hoạt động phối hợp y tế công tư khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia trong phát hiện và điều trị bệnh lao; kết hợp giữa hoạt động của các cơ sở y tế chuyên khoa, y tế đa khoa, giữa y tế công với y tế tư trong hoạt động phòng chống lao. Tăng cường kiểm soát lao phổi đa kháng và siêu kháng thuốc, lao kết hợp HIV, chiến lược chăm sóc sức khỏe phổi, trong đó có chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em. Thực hiện giám sát, thu dung và điều trị ngay từ tuyến cơ sở, để công tác phòng, chống bệnh lao/HIV của tỉnh ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Để phát hiện điều trị sớm lao/HIV Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị dự phòng mắc lao bằng isoniazid (INH) ở người nhiễm HIV, áp dụng đối với tất cả các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV. Theo đó, việc thực hiện sàng lọc bệnh lao được thực hiện trong tất cả các lần người nhiễm HIV đến khám; Ưu tiên khám trước cho người nhiễm HIV có triệu chứng ho để giảm nguy cơ lây nhiễm lao sang người khác; Khuyến khích hội chẩn và điều trị bệnh lao tại cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và áp dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán lao tại phòng khám. Đối với người nhiễm HIV, nếu có bất kỳ dấu hiệu hô hấp nào cũng cần được khám sàng lọc phát hiện lao phổi. |
Tác giả: Bảo Ngọc - Thành Vinh
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn