Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
CDC và những đêm trắng truy vết, xét nghiệm SARS-CoV-2
Thầm lặng đối diện với hiểm nguy đi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các ca bệnh; căng mình ngày đêm trong những labo xét nghiệm để xác định ca bệnh, những y, bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đang cùng các binh chủng khác vượt qua bao khó khăn, nỗ lực khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
Truy vết thần tốc để khoanh vùng, ngăn dịch
Diễn biến dịch bệnh lần thứ 4 phức tạp và khó lường hơn những lần trước, đòi hỏi cán bộ, nhân viên CDC - cơ quan đầu não trên mặt trận chống dịch phản ứng nhanh và hết sức linh hoạt. Với cán bộ của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, đợt dịch lần này mang dấu ấn đặc biệt khi lần đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng. Khác với những cuộc truy vết trước đây, việc xác định hành trình của ca bệnh trong cộng đồng lần này khó khăn, phức tạp và căng thẳng hơn rất nhiều.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho biết: “Ngay sau khi xác định được kết quả 2 ca bệnh ở Thạch Hà, trung tâm đã huy động 2 đội cơ động phòng, chống dịch với số lượng trên 20 người nhanh chóng xuống địa bàn để truy vết các trường hợp tiếp xúc. Không chỉ cán bộ, nhân viên mà ban giám đốc cũng trực tiếp xuống các vùng để đôn đốc và cùng với anh em thực hiện truy vết với tinh thần khẩn trương nhất”.
Là một trong những người có mặt đầu tiên tại khu vực có ca bệnh ở xã Tượng Sơn, bác sỹ Nguyễn Công Hiếu - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm chia sẻ: “Khi xác định được F0, suy nghĩ đầu tiên của anh em là làm sao có mặt một cách nhanh nhất và khẩn cấp truy vết những người tiếp xúc với ca bệnh. Càng sớm giây nào, phút nào thì sẽ càng nhanh chóng khoanh vùng, truy vết được F1, F2, ngăn chặn, giảm thiểu được nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng từng đó”. Không ai bảo ai, hàng chục cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng hộ cá nhân để bắt tay vào công việc. Việc tiếp xúc trực tiếp với F0 đối mặt với nhiều nguy hiểm song với tính chất phức tạp của các ca bệnh nên không cho phép những người như bác sỹ Trung, bác sỹ Hiếu và các thành viên trong đội cơ động chần chừ, e ngại
“Việc tiếp xúc để điều tra lịch trình di chuyển, tiếp xúc của các ca bệnh như một quá trình đấu trí và nói vui là bọn mình như một người công an điều tra. Để các ca bệnh thông tin một cách chính xác và nhanh nhất lịch trình tiếp xúc, đòi hỏi người cán bộ làm công tác dịch tễ phải có kỹ năng hỏi, kỹ năng khai thác và nắm bắt diễn biến tâm lý của người khai báo. Trong quá trình điều tra, nhiều khi bệnh nhân và các F1 có tâm lý lo lắng, ngại ngùng nên mình phải vừa động viên, vừa hướng dẫn để giúp họ bình tĩnh lại tiếp tục khai báo” - bác sỹ Hiếu bộc bạch.
Dẫu đến nay những F1, F2 của 2 ca bệnh tái dương tính ở Thạch Hà đã âm tính lần 1, song nhiệm vụ của những người làm công tác truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vẫn đang còn nặng nề khi mà ổ dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện K đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát từ những người về từ các địa điểm này là rất cao. Mỗi cán bộ làm công tác điều tra, truy vết đang nỗ lực giữ cho mình sự tỉnh táo, nhạy bén để triển khai nhanh song không bỏ sót các tình tiết, chi tiết về dịch tễ phục vụ cho quá trình chống dịch.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung chia sẻ: “Với tinh thần khẩn trương, truy vết thần tốc để khoanh vùng, ngăn dịch, hiện nay không kể ngày đêm, các đội cơ động phòng, chống dịch đang tập trung xuống các địa bàn để truy vết, lập danh sách người về từ các địa điểm có dịch mà Bộ Y tế thông báo. Để công việc này được nhanh chóng, hiệu quả và giảm bớt nỗi vất vả cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch và cả hệ thống chính trị, mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là người dân cần có ý thức tự giác trong việc khai báo và khai báo một cách trung thực, tuân thủ các quy định về cách ly”.
Miệt mài xuyên đêm trong những labo xét nghiệm
Lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly tập trung ký túc xá Mitraco, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong những tình huống khẩn cấp, rồi miệt mài xuyên đêm bên những labo xét nghiệm, là guồng quay của 15 cán bộ Khoa Cận lâm sàng (CDC Hà Tĩnh). Đợt dịch thứ 4 bùng phát với số lượng ca dương tính lớn nhất từ trước tới nay khiến đội ngũ làm xét nghiệm có thêm những kỷ niệm nghề đặc biệt trong cuộc chiến với con vi rút nhỏ bé nhưng vô cùng nguy hiểm.
“Tối 29/4, sau khi mẫu xét nghiệm của 3 công dân trở về từ thủ đô Viêng Chăn - Lào có kết quả nghi ngờ, sáng 30/4 tôi nhận nhiệm vụ khẩn vào khu cách ly KTX Mitraco lấy mẫu xét nghiệm. Dù đã chuẩn bị tâm thế tốt nhất nhưng cảm giác căng thẳng, lo lắng vẫn đan xen. Tập trung cao nhất để thực hiện quy trình lấy mẫu của 3 người này và những người đã tiếp xúc gần, nhiều người đã ái ngại nhắc tôi phải hết sức cẩn thận. Hôm đó, mang 14 mẫu xét nghiệm về Trung tâm, anh em chúng tôi không nghỉ trưa để tiến hành xét nghiệm; kết quả đã ghi nhận 3 ca dương tính đầu tiên. Kết quả này đã nhắc chúng tôi chuẩn bị bước vào một cuộc chiến mới đầy cam go, thử thách”- chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Cận lâm sàng chia sẻ.
Trong những ngày này, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt lượng người về từ các bệnh viện tuyến TW (đã phát hiện nhiều ca dương tính với virus SARS Cov-2) đã lên đến con số trên 700 người. Trong khi đó đội ngũ xét nghiệm CDC lực lượng mỏng, để xử lý khối lượng công việc lớn, đòi hỏi họ phải hi sinh nhiều hơn cuộc sống riêng tư. Đối với mỗi “chiến sỹ áo trắng” trong cuộc chiến đầy cam go này, gia đình nhỏ là điểm tựa bình yên sau những giờ phút “đấu trí” căng thẳng với con virus SARS Cov-2.
“Con trai tôi đang du học ở Nhật Bản. Từ khi có thông tin quê nhà có dịch mới, tối nào cũng gọi video về để xem mẹ và các đồng nghiệp làm việc và trò chuyện, động viên mẹ. Nhìn chung, mỗi cán bộ ở đây không còn thì giờ để lo cho gia đình, nhưng bù lại, đều được sự động viên, chia sẻ từ hậu phương của mình, sự chia sẻ của đồng nghiệp và sự cổ vũ của cộng đồng. Đó là nguồn năng lượng quý giá giúp chúng tôi giải tỏa căng thẳng và thêm động lực lớn trên trận tuyến bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”. Chị Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng khoa Cận lâm sàng CDC Hà Tình trải lòng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn