Dược liệu điều trị y học cổ truyền: Rẻ tiền, hiệu quả!

Thứ hai - 27/02/2017 20:53
Nguồn dược liệu phong phú và đa dạng do cha ông ta, đặc biệt là Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông truyền lại có tác dụng to lớn trong việc khám chữa bệnh. Ngày nay, nhiều địa phương đang tích cực phát triển vườn cây thuốc nam hướng đến sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền.
Vườn thuốc nam ở Trạm Y tế xã Thạch Hưng đã có sản phẩm dược liệu cung cấp cho thị trường.
Vườn thuốc nam ở Trạm Y tế xã Thạch Hưng đã có sản phẩm dược liệu cung cấp cho thị trường.
Bác sỹ Nguyễn Đình Trác - Chủ tịch Hội Đông y Hà Tĩnh cho biết, nhiều năm qua, Hội Đông y Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều đề án tập trung phát động hội viên và toàn dân tham gia trồng, phát triển cây dược liệu đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, hội đã chỉ đạo, hỗ trợ các chi hội cơ sở, các phòng chẩn trị đông y cấp huyện, trạm y tế tuyến xã xây dựng, phát triển vườn cây thuốc nam nhằm phục vụ công tác điều trị và giúp nhân dân có thể tự chữa một số bệnh thông thường như: ho, cảm cúm, viêm xoang, sổ mũi.

Nhiều địa phương như: Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên… đã đưa cây thuốc nam vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và đã có sản phẩm dược liệu cung cấp cho các đại lý thuốc bước đầu cho thu nhập cao, góp phần giúp các cơ sở khám chữa bệnh đông y chủ động nguồn dược liệu điều trị. Trong đó, Đức Thọ đã mạnh dạn đưa vào trồng các cây thuốc di thực như xuyên khung, xuyên quy, bạch chỉ, sinh địa, huyền sâm… rất dễ chăm sóc, cho sản phẩm tốt, luôn được thị trường đón nhận. Đặc biệt, sau đợt tập huấn đầu năm ngoái, xã Tùng Ảnh triển khai trồng dược liệu khảo nghiệm hơn 2 ha và bước đầu đã có sản phẩm cung cấp cho các đại lý thuốc nam trên địa bàn.

Hiện nay, các xã Sơn Trung, Sơn Quang và Sơn Lĩnh (Hương Sơn) đã phát triển nhiều loại cây thuốc nam thông thường như hoa hòe, thảo quyết minh, hoài sơn, căn căn là những thứ dược liệu bản địa truyền thống dễ trồng, dễ tiêu thụ, hữu ích, đa dụng. Nhiều người cũng đã tự trồng nhiều loại cây thông thường như kinh giới, tía tô, bạc hà, bồ công anh, hy thiêm, ích mẫu, mộc hương… vừa làm rau ăn hàng ngày, vừa có thể cung cấp dược liệu cho đông y, mang lại thu nhập cao.

Theo bác sỹ Trác, hiệu quả của việc sử dụng dược liệu điều trị trong đông y có ưu điểm không bị phản ứng phụ, rẻ tiền, chữa trị hiệu quả lại chủ động và thuận lợi tìm kiếm nhờ tự trồng, chế biến đơn giản, nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Ông còn cho biết thêm, vừa rồi, tại một cuộc hội thảo do Hội Đông y tỉnh tổ chức đã phát hiện bài thuốc chỉ cần 2 vị dược liệu là trị được bệnh trĩ mà không cần can thiệp tây y hoặc phẫu thuật phức tạp.

Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu, hiện nay, 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn đều có vườn thuốc nam. Tuy nhiên, thuốc nam do các trạm y tế cơ sở trồng chủ yếu giúp người dân sơ cứu, chữa trị một số bệnh thông thường như ho, sởi, cảm sốt... Theo kế hoạch, thời gian tới, sở sẽ tập trung chỉ đạo các huyện, thị khuyến khích người dân trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bác sỹ đa khoa Trần Hậu Cư - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho rằng, cây thuốc nam chữa bách bệnh, trạm cũng có vườn cây thuốc nam rộng hơn 200m2 với 35 loài cây dược liệu. Trong đó có nhiều giống thuốc quý như ngải cứu, ý dĩ, mã đề, ngải tướng quân, rẻ quạt… trị các bệnh tiêu chảy, cảm cúm, ho hen, đau bụng, khớp, rất nhanh khỏi. Vừa rồi, do mưa lũ, một số cây bị chết do ngập úng và trạm đang có kế hoạch phục hồi vườn cây thuốc nhằm chủ động nguồn dược liệu trong công tác điều trị.

Vườn thuốc của Trạm Y tế xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) chỉ hơn 100m2 nhưng có đến trên 25 loại dược liệu được trồng theo nhóm như thuốc bổ, sâm nam, thiên môn, mạch môn, rối loạn tiêu hóa, thuốc ho, phong thấp, giải cảm… rất bài bản, ô nào cũng tươi tốt. Bác sỹ Trần Đình Nam - Trưởng trạm khoe: “Năm ngoái đã bán ra thị trường và cung cấp cho Bệnh viện Đông y tỉnh một số dược liệu với chất lượng đảm bảo. Trồng dược liệu hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa. Hiện nay, các đại lý thuốc bắc đang đặt hàng cho trạm trồng dược liệu và chúng tôi đang mở rộng diện tích vườn thuốc”.

Theo ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dược Hà Tĩnh: “Năm qua, công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ hơn 150 tỷ đồng để bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân và đã sản xuất hơn 100 sản phẩm thuốc, trong đó có các loại thuốc từ dược liệu cổ truyền. Đặc biệt, năm 2016, công ty đã mạnh dạn đầu tư vốn triển khai trồng 11,5 ha thuốc nam tại các xã Cẩm Vịnh, Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) và Thạch Vĩnh (Thạch Hà) đã cho thu hoạch hơn 100 tấn dược liệu. Dự kiến, năm nay, công ty tiếp tục mở rộng 20 ha dược liệu theo mô hình liên kết “3 nhà”, trong đó, trồng khảo nghiệm thêm một số giống mới như diệp hạ châu, trạch tả”.

Mong muốn của nhiều người dân Hà Tĩnh và trên mọi miền đất nước là ngoài các vùng nguyên liệu trên, ngay tại Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn sẽ có một vùng nguyên liệu, khu chữa trị, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp bằng các loại thuốc nam với quy mô lớn để phục vụ du khách tham quan và nghỉ dưỡng.

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:31 | lượt tải:23

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:47 | lượt tải:38

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:50 | lượt tải:36

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:121 | lượt tải:58

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:148 | lượt tải:49
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay8,058
  • Tháng hiện tại196,523
  • Tổng lượt truy cập11,630,673
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây