Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tại Hà Tĩnh, hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các bệnh nhân mắc bệnh COPD, nhưng theo số liệu của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, từ khi bệnh viện thành lập Đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú bệnh COPD, tháng 01/2019 đến 23/12/2020 đã có 479 bệnh nhân COPD được lập hồ sơ khám, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh COPD.
Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: “Hiện nay đa số bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng, có đến 90% người mắc COPD vào điều trị tại đây là nghiện thuốc lá. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. COPD đặc trưng bởi sự rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục hoàn toàn, được khẳng định chẩn đoán dựa vào kết quả đo hô hấp ký. Bệnh tiến triển kéo dài nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong”.
Không những tại Bệnh viện Phổi mà hiện nay đã có một số Bệnh viện, Trung tâm y tế khác cũng đã thành lập Đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú bệnh COPD như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa Thành phố, Trung tâm Y tế Hương Sơn. Các đơn vị này đã lập hồ sơ khám, quản lý, điều trị ngoại trú cho hơn 1.000 bệnh nhân COPD.
Bác sỹ Kiều Viết Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế Hương Sơn chia sẻ: “Tháng 10/2020, Trung tâm đã thành lập Đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú bệnh COPD, đến nay đã lập hồ sơ quản lý, điều trị ngoại trú cho 116 bệnh nhân COPD. Bệnh nhân nặng thì vào khoa điều trị, đến khi ổn định thì chuyển điều trị ngoại trú.Hàng tháng các bệnh nhân COPD đến khám bệnh, kiểm tra đình kỳ.Bệnh nhân nào không đến khám, chúng tôi gọi điện hỏi thăm và động viên thực hiện các biện pháp phòng và điều trị.Hầu hết các bệnh nhân COPD đều có tiền sử hút thuốc lá”.
Còn tại Bệnh viện đa khoa (ĐK) Thành phố, hiện tại đang quản lý và điều trị ngoại trú cho 326 bệnh nhân COPD. Bác sỹ Trương Quang Thắng, tổ trưởng Phòng tư vấn, điều trị COPD – Hen, Bệnh viện ĐK Thành phố cho rằng: “Hầu hết các bệnh nhân COPD vào điều trị tại đây đều có tiền sử hút thuốc lá. Người hút thuốc có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc lá do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân, nếu bệnh nặng hơn bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp, tâm phế mạn (tức bệnh nhân bị bệnh tim do bệnh phổi gây ra, với biểu hiện sưng, phù ở chi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi lên) và cuối cùng dẫn đến tử vong”.
Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết thêm: “Bệnh COPD có thể điều trị, ngăn ngừa bằng cách, tránh xa với thuốc lá và khói thuốc lá. tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm lạnh, nhất là vệ sinh răng miệng. Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe thể lực. Tiêm phòng cúm và phế cầu theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên phối hợp với điều trị không dùng thuốc như: tập vật lý trị liệu hô hấp, tập thở chúm môi, tập thở cơ hoành để cơ thể thích nghi dần với môi trường bên ngoài...”.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính và Hen phế quản cho biết: “Hiện tại đã có một số bệnh viện và trung tâm tuyến huyện triển khai hiệu quả Đơn vị quản lý, điều trị bệnh COPD và hen phế quản. Năm 2021, Sở Y tế sẽ chỉ đạo tất cả các bệnh viện, trung tâm tuyến huyện thành lập Đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú COPD và hen phế quản. Đối với tuyến xã sẽ triển khai thí điểm tại trạm Y tế xã Cẩm Thành(Cẩm Xuyên) và 4 trạm điểm của huyện Hương Sơn là: Quang Diệm, Sơn Kim I, Thị trấn Phố Châu và Tây Sơn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn