Quy định mức xử phạt 16 hành vi vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch, bệnh COVID-19

Thứ năm - 19/08/2021 04:56
Hiện nay tình hình dịch, bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại một số tỉnh/thành phố, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng, việc kiểm soát triệt để nguồn lây gặp khó khăn và đặc biệt vẫn còn hiện tượng không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 vẫn còn khá phổ biến. Vì vậy, để mọi người hiểu rõ một số quy định về mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm nói chung và trong phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 nói riêng để nâng cao ý thức tự giác chấp hành, góp phần đẩy lùi dịch, bệnh COVID-19. Sở Y tế đăng tải quy định mức xử phạt 16 hành vi vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
Quy định mức xử phạt 16 hành vi vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch, bệnh COVID-19

 1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết (theo văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh COVID-19) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế - gọi tắt là Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

          2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021).

          3. Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

          4. Người nào không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch, bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

          5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức (Quy định tại khoản 5 Điều 4; điểm a, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP); không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức (Quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).
 

  6. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức (Quy định tại khoản 5 Điều 4; điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ).

          7. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch, bệnh COVID-19 bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

          8. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP) hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại Điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Công văn 45/TANDTC-PC); Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          9. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm 1.2 mục 1 mục Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          10. Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch, bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          11. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch, bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và điểm 1.4 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

         12. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm (Quy định tại điểm 1.9 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          13. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm 1.3 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          14. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm 1.8 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          15. Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Quy định tại điểm 1.6 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

          16. Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Quy định tại điểm 1.10 Công văn 45/TANDTC-PC; Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

1088/TTYT

Yêu cầu báo giá hàng hóa: Cung cấp máy lọc nước nóng lạnh năm 2024

Lượt xem:328 | lượt tải:56

1089/TTYT

Yêu cầu báo giá hàng hóa: Cung cấp máy điều hòa nhiệt độ năm 2024

Lượt xem:313 | lượt tải:48

1090/TTYT

Yêu cầu báo giá hàng hóa: Cung cấp Tivi năm 2024

Lượt xem:322 | lượt tải:57

DSNHNKCB

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà

Lượt xem:236 | lượt tải:45

1026/TTYT

Về việc yêu cầu báo giá máy in

Lượt xem:722 | lượt tải:113
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay7,703
  • Tháng hiện tại134,739
  • Tổng lượt truy cập11,201,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây