Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Thay áo mới cho y tế tuyến huyện.
Những năm trước kia, Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn được đánh giá là một trong những huyện có chất lượng dịch vụ y tế ở mức thấp, trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu thốn, không đảm bảo yêu cầu, thế nhưng trong 5 năm trở lại đây, Bệnh viện đã có bước phát triển “lột xác” hoàn toàn.
Bác sỹ Nguyễn Quang Hòe - Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn cho biết: Hiện nay, bệnh viện có chỉ tiêu 150 giường bệnh, nhưng phải kê đến 250 giường để phục vụ bệnh nhân, mỗi ngày bệnh viện tiếp đón từ 300 – 350 người dân đến khám. 5 năm trở lại đây, bệnh viện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại; đồng thời chú trọng thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế và tận dụng tối đa các gói kỹ thuật cao được bệnh viện E Hà Nội chuyển giao. Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị bệnh tại đây đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ca bệnh khó đã được xử lý, can thiệp kịp thời ngay tại tuyến huyện như: Hồi sức; phẫu thuật nội soi sản khoa; phẫu thật cắt tử cung bán phần,… Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn
Bệnh nhân Bùi Văn Nga, 65 tuổi, ở xã Sơn Phú huyện Hương Sơn cho biết: “Tôi thường xuyên đến bệnh viện bởi căn bệnh huyết áp, tiểu đường của người già. Ở đây cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ; cán bộ y tế tiếp đón niềm nở tận tình; trình độ các y bác sỹ trong chẩn đoán bệnh rất tốt. Chúng tôi rất an tâm. Cho dù nhiều bệnh, nhưng chúng tôi chỉ cần đến đây cũng đã chữa khỏi mà không cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Vừa đỡ tốn kém chi phí đi lại, điều trị, người nhà chăm nuôi cũng đỡ vất vả….”
Không chỉ bệnh viện Đa khoa Hương Sơn, mà hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sỹ được đào tạo thường xuyên, nâng cao tay nghề. Điển hình Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, ngoài 6 dãy nhà cao tầng khang trang, bệnh viện còn đầu tư mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ phục vụ công tác khám chữa bệnh với tổng giá trị đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E Hà Nội, hàng năm bệnh viện cử hàng chục lượt y, bác sĩ đi đào tạo các chuyên khoa sâu tại đây. Đồng thời bệnh viện còn mời chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện tuyến Trung ương về chuyển giao các kỹ thuật mới kết hợp với chính sách thu hút bác sĩ trẻ về làm việc lâu dài, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử với bệnh nhân từ đó chất lượng bệnh viện ngày một phát triển.
Bác sỹ Phan Thị Xuân Liễu tự tin: Nhờ sự quan tâm, quyết sách đúng đắn của UBND tỉnh, Sở Y tế và UBND thị xã Kỳ Anh nên bệnh viện chúng tôi đã có cơ ngơi khang trang, đầy đủ các trang thiết bị, nguồn nhân lực có chất lương như hiện nay. Nhưng chúng tôi đã xác định rõ, để tạo nên sự khác biệt là phải làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, từng bước chiếm được lòng tin của người bệnh. Hiện nay các bác sĩ bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở bụng cắt tử cung hoàn toàn, phẫu thuật xương cánh tay bằng nẹp, mổ nội soi cắt túi mật, lấy sỏi đường mật…Trung bình mỗi năm bệnh viện đón tiếp chữa bệnh cho trên 110.000 lượt bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm còn dưới 10%.
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh đang chăm sóc người thân tại khoa Sản cho biêt: Tôi thường hay đưa người nhà vào đây điều trị, mỗi năm mỗi khác, ngày càng hiện đại, bệnh viện đã có nhiều kỹ thuật mới nên tôi yên tâm cho người nhà ở lại điều trị, không phải chuyển tuyến, đỡ chi phí tốn kém, đi lại phiền hà mà lại yên tâm.
Nâng cao chất lượng y tế tuyến xã
Xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn là xã miền núi, giáp biên giới, có địa hình đi lại khó khăn. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của ngành chức năng và chính quyền địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở đây được thực hiện khá tốt. Trạm y tế của xã được đầu tư xây dựng mới đạt tiêu chuẩn theo quy định, trang thiết bị và phương tiện cũng được đầu tư đảm bảo thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống bệnh tật của trạm y tế tuyến xã.
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1 cho biết: Bình thường gia đình có người đau ốm thì vẫn lên khám ở trạm y tế xã. Điều kiện ở đây rất tốt, cơ bản đáp ứng được như cầu điều trị bệnh cho người dân, chỉ khi nào bệnh quá nặng mới phải đi lên huyện thôi, vì đi lại xa, mà lại tốn kém.
Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 được Bộ Y tế chọn làm mô hình điểm phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trạm đã được đầu tư nhiều trang thiết bị KCB, được đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Y sỹ Hoàng Ái Quốc, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Kim 1 cho biết: Hiện nay, mỗi ngày trung bình trạm tiếp nhận trên 40 người dân đến khám. Với nguồn lực hiện có thì trạm cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Thời gian tới, nếu được đầu tư thêm các trang thiết bị như máy siêu âm, xét nghiệm.. thì trạm có khả năng thu hút bệnh nhân nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Ngành Y tế Hà Tĩnh có 4/26 trạm y tế được Bộ Y tế chọn để triển khai mô hình điểm trong phát triển y tế cơ sở gồm: Sơn Kim 1, Sơn Tây, Sơn Diệm và thị trấn Phố Châu. Hiện nay, cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn nhân lực của cả 4 trạm cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tập trung đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm cho hoạt động tại các trạm y tế điểm. Theo đó, các trạm y tế tập trung truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; triển khai thực hiện công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; triển khai thực hiện nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, chú trọng nâng cao nhận thức cho viên chức y tế về vấn đề này; đảm bảo duy trì các hoạt động chuyên môn về khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã; triển khai thực hiện các gói dịch vụ cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; quan tâm chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh thường gặp cho người cao tuổi, người khuyết tật… Ngoài ra, các trạm y tế xã tiếp tục củng cố công tác phòng chống dịch, công tác y học cổ truyền, dân số, quản lý dược…
Từ những mô hình điểm này, Ngành sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng nhằm đổi mới nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân tỉnh nhà.
Tác giả: Linh Na
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn