Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tham dự chương trình có Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; gần 5.000 đoàn viên thanh niên, lực lượng y bác sĩ trẻ và đông đảo người dân tham gia các sự kiện trong khuôn khổ chương trình.
Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật, khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị khi mắc bệnh, được bảo hiểm y tế và các nguồn lực xã hội hỗ trợ chi trả, giảm thiểu những rủi ro do gánh nặng tài chính của chăm sóc sức khỏe mang lại.
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại chương trình, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thời gian qua, Y tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào: đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho 73% dân số, sản xuất thành công sởi, vắc xin phối hợp Sởi - Rubella đạt tiêu chuẩn GMP, là quốc gia thứ 11 loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, Việt Nam cũng đã được được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, Y tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển: Gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm. Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực…; Trong khi mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế thì người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn thông qua các hoạt động trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam sẽ nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe các nhân, gia đình và cộng đồng. Tăng cường sự tham gia, phối hợp liên ngành để xây dựng môi trường nâng cao sức khỏe, giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục và lâu dài để dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Chương trình Ngày sức khỏe thế giới năm 2019 được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự chủ động tham gia của mỗi người dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam. Các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng cường nhận thức, khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, kết hợp nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực đóng góp xã hội, hướng tới sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm, bệnh ung thư và tăng cường vận động thể chất; để thực hiện “Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Đ/c Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương chúc mừng 10 bác sĩ trẻ tiêu biểu
Bộ Y tế mong muốn mỗi người dân cùng chung tay thực hiện 9 hành động thiết thực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình:
1. Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe
2. 10 nghìn bước chân mỗi ngày – Thay đổi cuộc sống
3. Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật
4. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia
5. Đo đường máu ít nhất một năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường
6. Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư
7. Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh
8. Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp
9. Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.
Nhân dịp này, các bệnh viện gồm: Bệnh viện K, bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ tổ chức khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường), sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tư cung, bằng các thiết bị hiện đại nhất.
Người dân tham gia khám sàng lọc được tư vấn, chụp X-quang phổi miễn phí, xét nghiệm tiểu đường, đo phân tích huyết áp và khám sàng lọc ung thư.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn