Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Hơn 80% người bệnh nội trú hài lòng về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh- đây là kết quả khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện vừa được công bố cuối tuần qua. Kết quả này, cho thấy người bệnh đã ngày càng hài lòng hơn về ngành y tế.
Vượt mục tiêu về sự hài lòng người bệnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “chúng tôi nghĩ kết quả đánh giá sự hài lòng người bệnh năm nay là khách quan, khá chính xác. Đó cũng là sự đánh giá cho những nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ y tế toàn ngành từ tuyến trung ương, tỉnh, huyện, đặc biệt là ở các cơ sở khám chữa bệnh có các phòng quản lý chất lượng bệnh viện và rất nhiều giải pháp đồng bộ để đạt được kết quả đó”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm y tế xã Tân Hội- huyện Đan Phượng, TP Hà Nội
Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong ngành y tế tự bản thân chúng tôi nhận thấy để có được kết quả đó là sự phấn khởi hài lòng của người bệnh nhưng cũng là sự hài lòng của chính cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân tại các bệnh viện bởi vì trong một thời gian 5 năm -không phải là dài để đạt được kết quả trên 80%
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, Nghị quyết của Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 cố gắng tối đa đạt tối đa khoảng 80% sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công. Và ngành y tế cũng đặt ra là cố gắng đạt 80% sự hài lòng của người bệnh vào năm 2020, tuy nhiên đến thời điểm này chúng tôi đã đạt được trên 80%, đấy là một kết quả hết sức khích lệ.
Ngành y tế vẫn cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa
Một trong những thông tin của khảo sát này là còn 9,5% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vẫn có chi phí ngoài cho nhân viên y tế, nhưng có tới 84,5% ý kiến cho rằng việc "cảm ơn" bác sĩ là thể hiện sự biết ơn chứ không phải để mong muốn có dịch vụ tốt hơn.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chắc chắn là vẫn còn một tỷ lệ nhất định vì hiện nay mới có trên 80% người dân hài lòng có nghĩa là vẫn còn gần 20% chưa hài lòng.
“Về con số 9,5% người bệnh vẫn đưa phong bì cho bác sĩ, chúng tôi nghĩ đó là con số khá chính xác, điều đó chứng tỏ rằng cán bộ ngành y tế chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa. Nếu đưa trước thì đó là sự đòi hỏi, bôi trơn thì mới khám chữa bệnh nhiệt tình, còn đưa sau là cảm ơn. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ việc đưa phong bì cho bác sĩ là không nên làm vì hiện nay ở rất nhiều bệnh viện, dù người bệnh, người nhà bệnh nhân đưa sau hay trước, cán bộ y tế đều dứt khoát từ chối và nói không với phong bì”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, kết quả khảo sát này cũng phù hợp với kết quả đánh giá độc lập qua chỉ số PAPI của UNDP đánh giá. Năm 2016 còn hiện tượng tiêu cực, bôi trơn ở các cơ sở khám chữa bệnh là 17%, đến năm 2017 là 14% và năm 2018, kết quả công bố còn 0,4%... Tỷ lệ đó giảm đi rất nhiều, tuy nhiên ngành y tế vẫn cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Các kios khảo sát sự hài lòng/không hài lòng được triển khai tại các cơ sở y tế của TP Hồ Chí Minh để nắm bắt ý kiến người bệnh
Yếu tố tự trọng cùng tình yêu thương người bệnh và một loạt chính sách: Tạo nên sự hài lòng người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để có được kết quả của sự hài lòng người bệnh như vừa công bố là một quá trình thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp.
Bộ Y tế đã phải ban hành 7 Thông tư, thứ nhất là Thông tư về đổi mới, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đơn giản và giảm thời gian chờ đợi; Thông tư về trang phục của các nhân viên y tế khác nhau trong bệnh viện; Thông tư về đường dây nóng; Thông tư về hòm thư góp ý; Thông tư về phòng Công tác xã hội để hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh khi họ gặp khó khăn trong lúc đến bệnh viện thăm khám, điều trị; Thông tư về ứng xử, khen thưởng và kỷ luật cán bộ y tế.
“Và một Thông tư nữa chúng tôi cho rằng có ý nghĩa quyết định dẫn đến những thay đổi chất lượng là Thông tư về đổi mới tài chính là tính đến những chi phí trực tiếp, trong đó có chi phí tiền lương tính vào giá dịch vụ y tế do BHYT chi trả cho những bệnh nhân có BHYT”- Bộ trưởng Bộ Y tế nêu dẫn chứng
Người bệnh ngày càng được hướng dẫn tận tình/chu đáo về thủ tục/ quy trình khám chữa bệnh
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cũng phải kể đến các Quyết định/Nghị quyết của Chính phủ, như Quyết định 92 về Đề án giảm tải bệnh viện bởi nếu không giảm tải cứ để người bệnh nằm 2-3 người/ giường bệnh thì không thể nào có sự hài lòng.
Tiếp đó, muốn giảm tải thì phải có Đề án Bệnh viện vệ tinh. Nhờ thực hiện Đề án này, trong thời gian qua nhiều bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối đã chuyển giao hàng trăm kỹ thuật xuống bệnh viện tỉnh, huyện. Vì vậy hiện nay nhiều bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được các kỹ thuật cao, chữa trị nhiều ca bệnh khó mà trước kia bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên...
Và, một Thông tư nữa là xây dựng bệnh viện xanh-sạch – đẹp bởi nếu bệnh viện không xanh-sạch- đẹp; nhà vệ sinh không sạch và kém chất lượng thì không thể nào bệnh nhân hài lòng được.
Tiếp đến là việc Bộ Y tế ban hành bộ 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện gồm thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh... Từ 83 tiêu chí này, chúng tôi đã chấm điểm bệnh viện độc lập để làm cơ sở xếp hạng bệnh viện. Đây được coi là quy định có ý nghĩa rất lớn thay đổi chất lượng bệnh viện toàn diện, sâu sắc trong thời gian qua.
Để có được kết quả hài lòng người bệnh như hiện này là một chuỗi rất nhiều giải pháp và sự nỗ lực cao của toàn ngành y tế từ TW đến địa phương quyết tâm nỗ lực đổi mới, thay đổi vì bệnh nhân.
Ngành y tế Việt Nam đã và đang làm chủ nhiều kỹ thuật cao/ khó trong khám chữa bệnh
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2017, Bộ Y tế đã công bố kết quả chấm điểm bệnh viện dựa theo bộ tiêu chí 83 tiêu chí, hài lòng người bệnh về thái độ nhưng chất lượng bệnh viện cũng phải nâng lên, phải đảm bảo an toàn người bệnh, phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao, chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.
“Nhưng tôi nghĩ cũng có thêm cả yếu tố tự trọng không thể để bệnh nhân phàn nàn mãi và tình yêu thương bệnh nhân - đây là yếu tố căn bản trong tim của mỗi cán bộ y tế cùng với một loạt văn bản chính sách, cơ chế đồng bộ, đã giúp ngành y tế đạt được kết quả hài lòng như vậy”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn