Hiệu quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh

Thứ hai - 14/05/2018 20:51
Ngày 17/7/2015 Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND (sau đây gọi tắt là NGhị quyết 144) về một số cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hiệu quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh
Với những chính sách về hỗ trợ thu hút, đào tạo nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi, mời chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển; Nghị quyết 144 đã thực sự tạo lực đẩy giúp ngành Y tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo, nâng cấp cơ sở y tế, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Sau khi Nghị quyết 144 được ban hành, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn ngành. Qua 02 năm (2016 – 2017) triển khai thực hiện, ngành Y tế đã đạt được một số kết quả khả quan.

Trong tuyển dụng theo chính sách thu hút, ngành đã tuyển dụng được 89 cán bộ chất lượng cao, trong đó có 86 bác sỹ. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, các chính sách quy định tại Nghị quyết 144 đã tạo nhiều chuyển biến, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Trong 02 năm ngành đã cử 08 cán bộ đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II,  77 cán bộ đi đào tạo sau đại học. Tính đến 31/12/2017, toàn ngành có 1072 bác sĩ, tăng so với năm 2011 là 44,5 %,  đạt 8,72 bác sỹ/1 vạn dân; có 384 cán bộ có  trình độ sau đại học, tăng 54,8% so với năm 2011.

Công tác luân phiên cán bộ và ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật mới, hiện đại được triển khai đồng đều ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và Trạm Y tế xã. Trong 02 năm (2016 – 2017) các đơn vị y tế đã tiếp nhận 51 lượt chuyên gia nước ngoài và các bệnh viện tuyến trung ương về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị y tế thuộc tỉnh; đã cử 07 lượt cán bộ luân phiên từ tuyến tỉnh về hỗ trợ cho tuyến huyện và 130 lượt luân phiên từ tuyến huyện về hỗ trợ cho tuyến xã. Qua thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật và luân phiên đã có nhiều kỹ thuật mới, hiện đại được chuyển giao cho các bệnh viện như: phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo, phẫu thuật Frey - Beger điều trị sỏi tụy, viêm tụy mạn, phẫu thuật vá màng cứng hoặc tạo hình màng cứng, phẫu thuật giải ép cắt bỏ dây chằng vàng, mở cung sau và cắt bỏ mỏm khớp dưới, phẫu thuật Miles nội soi cắt ung thư trực tràng thấp, phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột non cho bệnh nhân….; tại các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo ... . Nhờ đó giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, góp phần giảm dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Năm 2017, qua kết quả khảo sát tỷ lệ hài lòng của người bệnh cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt >90%. Chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên; quyền lợi của người bệnh được đảm bảo.

Các chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định như hỗ trợ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học công tác trong lĩnh vực Lao, tâm thần, pháp y; hỗ trợ bác sĩ công tác trong các đơn vị thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng; hỗ trợ cán bộ đi luân phiên theo Đề án 1816; hỗ trợ cho Bác sỹ công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn; hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho bác sỹ, dược sỹ đại học làm công tác quản lý nhà nước về y tế; hỗ trợ cho nhân viên y tế làm việc tại khối phố chưa được hưởng chế độ quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ ...

Thực hiện Nghị quyết 144 cũng giúp ngành Y tế từng bước nâng cấp, đổi mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của hệ thống khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã bố trí 75 tỷ đồng hỗ trợ các bệnh viện đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ về y tế. Ngoài các bệnh viện tuyến tỉnh, hệ thống y tế cơ sở gồm các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã đã được đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại như: 100% các bệnh viện huyện phẫu thuật nội soi; 2 đơn vị chạy thận tại Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh và Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ; nâng cấp chất lượng hệ thống xét nghiệm; ứng dụng công nghệ thông tin; 22 TYT đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và hỗ trợ nguồn vốn từ cơ chế chính sách xây dựng TYT tại Nghị quyết số 144 với tổng kinh phí là 111,535 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh cũng đã hỗ trợ mua sắm các gói trang thiết bị y tế cơ bản cho 114 trạm y tế, với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Hiện nay, Ngành đang rà soát nhu cầu để tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế trong đó ưu tiên các trạm vùng 3, vùng 2 và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, các trạm có lượng bệnh nhân đến đông.

Bên cạnh việc đầu tư về hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tỉnh cũng đã bố trí đủ nguồn vốn đối ứng để đầu tư hoàn thành dự án thuộc lĩnh vực y tế đồng thời cam kết bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án vay vốn ưu đãi (ODA) trong thời gian sắp tới. Cụ thể, đã bố trí đối ứng 2 tỷ đồng cho dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; cam kết bố trí vốn đối ứng cho dự án Đầu tư nâng cấp trang thiết bị Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (sử dụng vốn vay Chính phủ Áo) là 01 triệu EURO tương đương 25 tỷ đồng và Dự án cung cấp thiết bị cho Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ sử dụng vốn vay Chính phủ Hàn Quốc là 434.423 USD tương đương 9,667 tỷ đồng; Cam kết tham gia dự án hỗ trợ cho công tác y tế cơ sở nhằm thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ trong đó nhất trí tỷ lệ vay lại giai đoạn 2018-2020 mà Chính phủ quy định đối với tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 144 còn có một số tốn tại, hạn chế như: Vẫn chưa thu hút được nhiều bác sỹ chính quy dài hạn, cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu nhất là đội ngũ Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ CKII về công tác trên địa bàn; Tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số công chức, viên chức của Ngành nhất là trình độ Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I (384/4733, chiếm 8,1%); Cơ cấu chuyên ngành đào tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Y tế có trình độ sau đại học vẫn còn nhiều bất hợp lý; thiếu cán bộ có trình độ cao ở một số chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu như: Nội tiết, Tim mạch, ghép tạng, Ung bướu, Lao, Tâm thần, Giải phẫu bệnh … Số cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học giai đoạn 2016 – 2017 đến nay chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND; Công tác đào tạo bác sĩ tuyến xã chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra (chỉ có 3 bác sỹ đi đào tạo); Chế độ đãi ngộ cán bộ công chức, viên chức và thu nhập tăng thêm còn rất thấp so với thu nhập khi làm việc ở các đơn vị y tế ngoài công lập và công lập tại các tỉnh bạn như các bệnh viện ở Nghệ An  và các bệnh viện khu vực phía nam nên một số bác sĩ có trình độ chuyên môn cao sau khi làm việc một thời gian thì xin chuyển công tác, bỏ việc hoặc xin nghỉ việc để đến làm việc ở những đơn vị có thu nhập cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn;  Chủ trương luân phiên cán bộ thực hiện nghĩa vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa thực hiện chưa được nhiều do bệnh viện còn thiếu bác sĩ; năng lực chuyên môn của một số cán bộ y tế còn hạn chế nên khó khăn trong việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên; nguồn lực đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tương xứng với vai trò chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn của ngành Y tế.

Vì vậy để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 144 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngành Y tế Hà Tĩnh mong muốn Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh cho sửa đổi một số chính sách cho ngành Y tế nhất là chính sách chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, làm việc ở địa bàn khó khăn, độc hại để mọi người yên tâm công tác và thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung đủ nguồn vốn xây dựng Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh. Bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA về y tế; hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản và thanh toán nợ đọng; tiếp tục nâng cấp một số bệnh viện đa khoa huyện như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Đức Thọ; Hương Khê, Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc… Tiếp tục cân đối nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ cho ngành y tế để đầu tư xây dựng các trạm y tế và mua sắm trang thiết bị./.

Tác giả: Bs. Lê Ngọc Châu – TUV, Giám đốc Sở Y tế

Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:33 | lượt tải:25

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:50 | lượt tải:38

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:51 | lượt tải:36

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:122 | lượt tải:58

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:149 | lượt tải:50
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay4,487
  • Tháng hiện tại208,836
  • Tổng lượt truy cập11,642,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây