Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Vào 7 giờ sáng ngày 6/7/2015, chị Linh có dấu hiệu chuyển dạ sinh con lần thứ 4, được gia đình nhanh chóng chuyển đến Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà để chờ sinh. Sau khi sinh con, chị Linh không may bị đờ tử cung, cần phải truyền máu gấp, nếu không khó có thể giữ được tính mạng. Lúc đó, lượng máu dự trữ tại Bệnh viện không có, người thân trong gia đình chị được huy động để thử máu nhưng không ai có nhóm máu A trùng với nhóm máu của chị. Lúc này, gia đình sản phụ hết sức hoang mang. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện đã huy động các tình nguyện viên trong câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” cho máu cấp cứu bệnh nhân. May thay, các bác sĩ, điều dưỡng như bác sĩ Hoàng Thanh Xin - khoa Truyền nhiễm, anh Nguyễn Minh Tú- khoa Gây mê, điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh- khoa Hồi sức tích cực… là người có cùng nhóm máu A với sản phụ và sẵn sàng cho máu. Trong một buổi sáng, các tình nguyện viên đã hiến 5 đơn vị máu cứu sản phụ Linh trong gang tấc. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà được cứu sống nhờ nguồn máu “sống” từ những tình nguyện viên tại chỗ, sẵn sàng cho máu lúc nguy cấp.
Điều dưỡng Nguyễn Minh Tú hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch ngay tại bệnh viện
Điều dưỡng trưởng- Nguyễn Minh Tú - Khoa gây mê Bệnh viện Thạch Hà, người cán bộ y tế đã 5 lần hiến máu cứu người có những chia sẻ chân tình với chúng tôi: Ngay khi bước chân vào cánh cổng ngành Y, tôi đã có một khát khao cháy bỏng là muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho các hoạt động xã hội. Tôi hiểu rằng máu và chế phẩm từ máu là những sản phẩm sinh học quý, chưa có chất gì có thể thay thế được, cần thiết trong cấp cứu người bệnh khi người bệnh thiếu máu do tai nạn, bệnh lý, phẫu thuật.. Có lần tôi vào viện và chứng kiến những bệnh nhân đang yếu dần vì thiếu máu, thấy nỗi lo lắng, thất vọng trên gương mặt của những người nhà bệnh nhân, tôi thấy nghĩa cử hiến máu tình nguyện thật cần thiết. Bằng sự đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ với các hoạt động xã hội, tôi luôn sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện và mong muốn phong trào này sẽ ngày càng lan tỏa để các bạn trẻ cùng tham gia, góp sức vì cộng đồng. Tôi nghĩ, một giọt máu mình cho đi để cứu sống một mạng người thì không nên tiếc, vì đó là giọt máu có ích cho đời. Vì vậy, khi nào người bệnh cần, tôi sẽ sẵn sàng cho máu. Sức khỏe còn cho phép thì tôi còn hiến máu. Đây cũng có thể coi như là một việc làm thiện nguyện vậy.
Chính vì những suy nghĩ đó, những ca cần hiến máu cấp cứu của các bệnh nhân đều được anh giúp đỡ tận tình không một lời từ chối. Sau những lần như thế, thấy được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, chàng trai trẻ đã không ngừng vận động người thân, bạn bè cùng tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, hiến máu.
BS CKI Lê Văn Bình- Giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Thạch Hà chia sẻ với chúng tôi: Mỗi tấm gương hiến máu tiêu biểu ở các độ tuổi, chức vụ khác nhau nhưng họ đều coi hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp và xuất phát từ tấm lòng muốn cứu giúp người bệnh. Việc huy động các nguồn máu an toàn vì mục tiêu giúp những người bệnh cần truyền máu có cơ hội được cứu sống, phục hồi sức khỏe và bồi đắp những giá trị nhân văn của cuộc sống. Với đặc thù là bệnh viện tuyến huyện, trong quá trình mổ cấp cứu, nhiều trường hợp người bệnh liên quan đến thai sản, đa chấn thương… phải truyền máu. Dù cách không xa trung tâm Thành phố, mỗi lần cần máu để truyền cho bệnh nhân, nếu vào bệnh viện Đa khoa tỉnh nhiều khi cũng không có máu dự trữ hoặc trùng nhóm máu, trong khi đó, sự sống của nhiều bệnh nhân chỉ tính bằng phút. Do đó, từ năm 2008, chúng tôi đã xây dựng câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” gồm 100 CBCNV ngay tại Bệnh viện, nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên trong Bệnh viện có sức khỏe tốt, sẵn sàng cho máu khi cần thiết. Ngoài việc biết nhóm máu của mình, các y sĩ, bác sĩ còn phải định kỳ khám sức khỏe hay “test” đột xuất để sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân bất cứ lúc nào. Từ năm 2011 đến 2015, các y bác sĩ tại đây cũng đã hiến được 45 đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân lúc nguy cấp. Đáng chú ý, có nhiều y, bác sĩ đã hiến máu trên 2 lần như đồng chí Võ Thị Nga, Nguyễn Đức Tuấn, Nguyễn Minh Tú…Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đã huy động 6 cán bộ, nhân viên cho máu để cấp cứu kịp thời cho 3 bệnh nhân. Mặc dù đây là con số còn khá khiêm tốn nhưng nó thể hiện tính nhân văn và chúng tôi cũng đã có chính sách “thưởng nóng” những người cho máu để khuyến khích họ và những người khác. Hiện nay, mô hình này đã thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên ở các cơ quan khác trên địa bàn huyện cùng tham gia, đó là “nguồn máu” dự trữ hết là sức cần thiết trong các trường hợp cấp cứu.
Năm 2016, với thông điệp chính “Hiến giọt máu đào – trao đời sự sống” do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh việc làm anh hùng của những người hiến máu – người dành cả thời gian, sức khỏe và máu của mình cứu giúp sự sống cho những người bệnh mà họ không hề quen biết
Với địa bàn trải rộng như tỉnh ta, nhiều huyện cách xa trung tâm tỉnh, việc đi lại mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ngoài xây dựng các tủ bảo quản máu thường xuyên thì việc xây dựng “ngân hàng máu sống” tại chỗ là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp khi lượng máu dự trữ không còn và người nhà bệnh nhân lại không có cùng nhóm máu với người bệnh.
Tác giả: Đoàn Loan
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn