Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Các yếu tố nguy cơ của rung nhĩ
Kể cả những người có lối sống lành mạnh và không mắc các bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ. Các yếu tố nguy cơ chính của rung nhĩ bao gồm: Tuổi trên 60; Tăng huyết áp; Bệnh động mạch vành; Suy tim; Bệnh lý van tim; Tiền sử phẫu thuật tim mở; Ngừng thở khi ngủ; Bệnh lý tuyến giáp; Đái tháo đường; Bệnh phổi mạn tính; Lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích; Tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý nội ngoại khoa nặng
Triệu chứng của rung nhĩ
Rất nhiều bệnh nhân rung nhĩ nhưng hoàn toàn không có triệu chứng, mặt khác, nhiều bệnh nhân có triệu chứng ngay từ khi mới mắc. Các triệu chứng của rung nhĩ khác nhau tùy từng bệnh nhân, phụ thuộc vào tuổi, nguyên nhân gây rung nhĩ (do bệnh tim mạch hay bệnh cơ quan khác) và ảnh hưởng của rung nhĩ đến sự co bóp của tim. Các triệu chứng bao gồm:
Cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng (thường gặp nhất); Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm); Thở nông; Hồi hộp đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, thình thịch, rộn ràng); Khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc giảm khả năng đáp ứng với vận động thể lực; Đau hoặc cảm giác tức nặng ngực; Tiểu tiện nhiều lần
Chẩn đoán xác định rung nhĩ bằng điện tâm đồ - đây là một xét nghiệm thường quy. Ngoài ra, rung nhĩ có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ. Bệnh nhân được đeo Holter điện tâm đồ theo dõi nhịp tim trong khoảng từ 1-7 ngày, có khi vài tuần. Các thiết bị này giúp ghi lại nhịp tim cả ngày lẫn đêm, qua đó cung cấp những thông tin chính xác về biến thiên nhịp tim, kể cả khi hoạt động lẫn khi nghỉ ngơi. Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán.
Điều trị rung nhĩ thế nào?
Để điều trị rung nhĩ có hiệu quả chống được đột quỵ với 3 mục tiêu chính là kiểm soát tần số thất, chuyển rung nhĩ về nhịp xoang và dùng thuốc chống đông phòng ngừa huyết khối. Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị rung nhĩ. Một số bệnh nhân có thể được sốc điện chuyển nhịp về nhịp xoang. Triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông là phương pháp mới được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không muốn điều trị nội khoa. Đây là phương pháp dùng năng lượng tạo ra những vết cắt nhỏ lên bề mặt nội mạc nhĩ trái để cô lập các đường xung động bất thường của rung nhĩ gây ra.
Rung nhĩ có thể dẫn đến đột quỵ do hình thành các cục máu đông, chính vì vậy, các bác sĩ thường phải sử dụng thuốc chống đông máu cho bệnh nhân. Việc sử dụng các thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não. Tuy nhiên, các bệnh nhân dùng thuốc chống đông phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng lên do các thuốc này ngăn chặn quá trình đông máu và hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau. Do vậy, sự lựa chọn cũng như tính toán lợi ích, nguy cơ của việc sử dụng các thuốc chống đông cần được tính toán kĩ lưỡng dựa trên tuổi, bệnh lý kèm theo (như suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường).
Lời khuyên của thầy thuốc Phòng ngừa đột quỵ là mục tiêu hàng đầu trong điều trị rung nhĩ. Bệnh nhân nên trao đổi với nhà điện sinh lý học (các bác sĩ chuyên ngành rối loạn nhịp tim), bác sĩ tim mạch và bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu về nguy cơ đột quỵ. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc chống đông, bệnh nhân nên thảo luận cùng bác sĩ để hiểu rõ về lợi ích cũng như nguy cơ của các loại thuốc chống đông để qua đó quyết định lựa chọn thuốc điều trị tốt nhất cho mình. Có một số loại thuốc chống đông có thể lựa chọn cho bệnh nhân rung nhĩ như: thuốc kháng vitamin K, thuốc ức chế trực tiếp thrombin, thuốc ức chế yếu tố xa... |
TS.BSCC. PHẠM QUỐC KHÁNH (Viện phó Viện Tim mạch Quốc gia)
Tác giả: TS.BSCC Phạm Quốc Khánh (Viện phó Viện Tim mạch Quốc Gia)
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn