Hội chứng ruột kích thích: Lành tính nhưng khó trị, vì sao?

Thứ ba - 03/01/2017 10:34
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng của ruột bởi vì không gây viêm loét tại ruột, không kèm theo rối loạn về cấu trúc và sinh hóa. Hội chứng này được gọi dưới nhiều tên khác nhau: hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng co thắt, vì bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt khi nặng, lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính. Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích: Lành tính nhưng khó trị, vì sao?
Biểu hiện bệnh đa dạng
Khi mắc phải hội chứng ruột kích thích, người bệnh thường có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hoá, ngoài ra còn có biểu hiện tại các cơ quan khác.
Các triệu chứng về tiêu hoá: Đau bụng là triệu chứng thường gặp, vị trí thường thấy nhất là ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau  có thể chạy dọc theo khung đại tràng. Đau có thể có vị trí rõ ràng, nhưng cũng có thể đau không rõ ràng làm người bệnh rất khó xác định vị trí chính xác. Đau có khi chỉ biểu hiện bằng cảm giác tức nặng, ấm ách khó chịu. Đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện. Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy thì không bị hoặc nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh có thể biểu hiện bằng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với từng đợt táo bón. Phân có thể có nhầy mũi nhưng không có máu, phân giống phân dê. Bệnh nhân có thể đau quặn bụng bắt buộc phải đi ngoài ngay. Người bệnh có cảm giác chưa thoải mái hoặc chưa đi hết phân sau khi đại tiện. Người bệnh không bị đi ngoài khi ngủ. Ngoài ra có thể có các biểu hiện: nóng ở vùng thượng vị, ăn nhanh no, buồn nôn, cảm giác có vướng ở vùng họng.
Các biểu hiện ở ngoài cơ quan tiêu hoá: nhức đầu, dị cảm, mất ngủ, rối loạn vị giác, trầm cảm mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, đau khi giao hợp, đái nhiều lần trong ngày, đái đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng bừng mặt, chóng mặt. Có nhiều người còn lo sợ bị ung thư hay bị bệnh nguy hiểm nào khác.

Rau quả tươi, nhiều chất xơ có lợi cho người mắc hội chứng ruột kích thích.

Cơ chế gây bệnh
Cho đến nay, người ta cũng chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới cơ chế sinh bệnh như:
Rối loạn vận động của ruột: Tăng nhu động biểu hiện bằng ỉa lỏng, giảm nhu động biểu hiện bằng táo bón.
Rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hoá: ống tiêu hoá dễ bị kích thích vì giảm ngưỡng cảm thụ nội tạng biểu hiện bằng đau bụng.
Các yếu tố thần kinh trung ương: stress, rối loạn về tinh thần, yếu tố tâm lý. Điều này lý giải cho xu hướng bệnh ngày càng nhiều khi điều kiện kinh tế và xã hội phát triển. Ngoài ra còn có các yếu tố như: nhiễm khuẩn, do thức ăn, hoá chất...
Trên thế giới, đây là một trong những bệnh tiêu hoá khá phổ biến, tại Mỹ có tới 25% dân số mắc bệnh này, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh vào khoảng 15-20%. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn 2-3 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45.
Do triệu chứng của người bệnh rất khác nhau, thậm chí diễn biến bệnh trên một người cũng không cố định mà thay đổi theo thời gian. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định dựa vào phương pháp loại trừ các bệnh có tổn thương thực sự. Mặc dù người bệnh phàn nàn vì có nhiều triệu chứng gây khó chịu như trên, nhưng khi thăm khám thầy thuốc không phát hiện thấy gì đặc biệt, người bệnh không sút cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp Xquang đại tràng có thể có tăng hoặc giảm co bóp hoặc rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiêm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.

Cách nào khắc phục?
Bệnh nhân có thể nhận biết các loại thức ăn nào thường “không dung nạp”, hay gây tiêu chảy và đau bụng (ví dụ như thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi…) và tự họ đã hạn chế bớt các loại thức ăn đó. Có những người chỉ xảy ra tiêu chảy sau ăn vào một giờ nhất định, do vậy, họ nên tránh ăn vào giờ đó. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng. Đối với trường hợp táo bón thường xuyên, bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi. Tránh các thức ăn khô, nhiều gia vị. Nên hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh bớt  các căng thẳng về thần kinh…
Mặc dù là bệnh lành tính không gây tử vong nhưng điều trị lại khó có khả năng khỏi hẳn. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Có thể sử dụng các thuốc khi các triệu chứng nặng gây khó chịu nhiều. Đó là các thuốc chống tiêu chảy như (thuốc tác động trên thần kinh trung ương), thuốc chống táo bón (thuốc nhuận trường thẩm thấu, thuốc nhuận trường tạo khối, thuốc nhuận trường tăng co thắt). Lưu ý các thuốc nhuận trường có thể làm nặng thêm triệu chứng đau và trướng bụng.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:31 | lượt tải:23

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:47 | lượt tải:38

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:50 | lượt tải:36

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:121 | lượt tải:58

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:148 | lượt tải:49
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay8,058
  • Tháng hiện tại196,701
  • Tổng lượt truy cập11,630,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây