Biến dạng chân tay do viêm khớp

Thứ ba - 06/09/2016 22:23
Bệnh viêm khớp dạng thấp phá hủy khớp, gân, dây chằng, gây bán trật khớp, khiến cổ tay bị biến dạng lệch về phía xương trụ hoặc cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò...
Các giai đoạn của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh: CTN.
Các giai đoạn của bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh: CTN.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc, Phòng khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết viêm khớp dạng thấp là bệnh lý thường gặp ở nhiều quốc gia. Bệnh đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. 

Đây là bệnh lý tự miễn, nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của màng hoạt dịch khớp gây ra viêm khớp. Nguyên nhân vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Về cơ bản, viêm khớp được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hormone, miễn dịch và nhiễm trùng. Các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống cũng ảnh hưởng đến khớp, chẳng hạn như thói quen hút thuốc lá, uống cà phê, tiếp xúc sillicon, có thể ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể khởi phát sớm hơn ở những người hút thuốc lá.

Viêm khớp dạng thấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính màng hoạt dịch ở nhiều khớp, có hoặc không các tổn thương ngoài khớp. Bệnh nhân có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc ẩm ướt. Tình trạng này xảy ra ở tất cả chủng tộc và lứa tuổi, phổ biến từ 30 đến 50 tuổi (chiếm từ 73 đến 85%). Nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 đến 6 lần so nam. Tuy nhiên đàn ông mắc bệnh thường có xu hướng nặng hơn phụ nữ.

Dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp là đau và sưng khớp. Khớp bị viêm có thể sưng, nóng nhưng thường ít tấy đỏ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp nếu cảm thấy đau khi sờ nắn hoặc vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp. 

Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Ngoài ra, tất cả khớp khác cũng đều có thể bị ảnh hưởng như khớp khuỷu, vai… Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển gây hẹp khe khớp, dính, biến dạng khớp và tàn phế.

Bệnh có thể bắt đầu ở một khớp và không đối xứng, chẳng hạn như khớp gối. Đa số trường hợp trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ phát triển thành viêm nhiều khớp với tính chất đối xứng, thông thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, bàn và ngón tay, khớp ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân. Hiếm gặp tổn thương ở các khớp liên đốt ngón xa.

(A) Viêm đối xứng ở các khớp cổ tay, khớp bàn ngón và khớp ngón gần. (B) Bàn tay gió thổi. (C) Biến dạng bàn chân. (D) Ngón tay người thùa khuy. (E) Ngón tay hình cổ cò. (F) Nốt thấp dưới da vùng cẳng tay.

Diễn tiến bệnh viêm khớp dạng thấp gây: (A) Viêm đối xứng ở các khớp cổ tay, khớp bàn ngón và khớp ngón gần. (B) Bàn tay “gió thổi”. (C) Biến dạng bàn chân. (D) Ngón tay người thùa khuy. (E) Ngón tay hình cổ cò. (F) Nốt thấp dưới da vùng cẳng tay.

Bác sĩ Ngọc khuyên người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng, đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian, khớp sưng, nóng, đau đối xứng, đau khớp, mệt mỏi. Đôi khi bệnh nhân bị sốt như bị cúm, làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày. Đặc biệt cần chú ý tình trạng sưng đau khớp kéo dài trên 2 tháng ở phụ nữ trung niên.

Đối với bệnh này, việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng bởi vì tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Khoảng 30% người bệnh có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán, tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng 2 năm.

Viêm khớp dạng thấp khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm riêng. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót chẩn đoán. Chính vì vậy, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám sớm. Bệnh nhân cần mô tả kỹ các triệu chứng, bác sĩ sẽ dựa vào đó và kết hợp với một số xét nghiệm để chẩn đoán và chỉ định điều trị. Các xét nghiệm cần làm bao gồm phản ứng viêm (tốc độ lắng máu, CRP), yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể kháng CCP (antiCCP), X-quang...

Theo bác sĩ Ngọc, bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm và được chữa đúng thì khớp sẽ hết viêm. Nhờ đó sẽ hết đau và tránh được biến dạng khớp hay tàn phế về sau.

Phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc. Có 2 nhóm thuốc được chỉ định gồm thuốc điều trị triệu chứng để cho người bệnh giảm sưng đau khớp trong giai đoạn đầu. Song song đó, bác sĩ sẽ cho những thuốc cơ bản trong điều trị bệnh hoặc các thuốc mới như thuốc sinh học với trường hợp không đáp ứng điều trị cơ bản. Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần áp dụng các biện pháp khác như tập thể dục nhẹ nhàng và chế độ ăn uống cân bằng.

Tác giả: Trần Ngoan

Nguồn tin: VNExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:31 | lượt tải:23

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:48 | lượt tải:38

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:51 | lượt tải:36

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:121 | lượt tải:58

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:148 | lượt tải:49
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay8,058
  • Tháng hiện tại199,245
  • Tổng lượt truy cập11,633,395
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây