Bệnh mạch vành và cách phòng tránh

Thứ hai - 04/12/2017 04:22
Bệnh mạch vành hay còn được biết đến dưới nhiều thuật ngữ khác như: suy động mạch vành, thiếu máu cơ tim, thiểu năng vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh mạch vành và cách phòng tránh
Đây là tình trạng hẹp hay tắc nghẽn lòng động mạch dẫn đến thiếu máu đi nuôi tim, đảm bảo cho tim có thể hoàn thành chức năng của nó. Hiện nay, tại Việt Nam bệnh mạch vành ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Còn tại Hà Tĩnh mặc dù chưa có số liệu thống kê bệnh mạch vành trên toàn tỉnh, nhưng theo báo cáo tại Khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi năm có gần 500 bệnh nhân bị bệnh mạch vành vào điều trị, trong đó có trên 100 bệnh nhân biến chứng sang nhồi máu cơ tim cấp.

Nếu bệnh mạch vành không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột tử. Để tìm hiểu thêm về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, nguyên nhân nào dẫn đến bệnh mạch vành và những yếu tốt nguy cơ nào gây ra bệnh mạch vành?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế: Nguyên nhân thường gặp ở bệnh mạch vành là do sự hình thành của các mảng xơ vữa trong lòng mạch - một tiến trình chậm chạp kéo dài với sự lắng đọng từ từ của Lipid trong thành động mạch, làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, cứng lại và mất tính đàn hồi. Mảng xơ vữa gây các phản ứng viêm, có thể lớn dần lên gây chít hẹp lòng mạch và vỡ ra dễ dẫn đến hình thành cục máu đông gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Ngoài ra một số trường hợp mạch vành bị co thắt gây hẹp mạch vành từng lúc cũng có thể gây ra triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, gia đình có người bị bệnh động mạch vành sớm (trước 55 tuổi), tuổi cao, ít hoạt động thể lực và stress.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế 
kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, bệnh mạch vành thường có các dấu hiệu như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế: Người bị bệnh động mạch vành biểu hiện ở nhiều mức độ. Có thể người mắc bệnh mạch vành hoàn toàn không có triệu chứng gì cả, chỉ tình cờ phát hiện khi đo điện tâm đồ. Tuy nhiên triệu chứng thường thấy nhất là những cơn đau thắt ngực. Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có 1 cái gì đó khó chịu trong lồng ngực. Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, ít trường hợp lan ra sau lưng hay vùng cột sống. Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10-30 giây hay 1 vài phút; nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, bệnh mạch vành nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có biến chứng gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế : Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành là nhồi máu cơ tim và đột tử. Các biến cố này thường do sự hình thành cục máu đông làm lấp tắc động mạch vành đã bị hẹp từ trước do mảng xơ vữa ở thành động mạch vành. Các biến chứng khác bao gồm rối loạn nhịp tim và suy tim. Do đó, khi bị đau thắt ngực, trước hết cần được nghỉ ngơi ngay lập tức, nghĩa là phải dừng ngay lập tức mọi loại gắng sức và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đây là động tác cực kỳ quan trọng, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân vì chỉ cần một gắng sức rất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.


Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế siêu âm kiểm tra tim cho bệnh nhân

PV: Như vậy để ngăn ngừa bệnh mạch vành, mọi người cần phải thực hiện những biện pháp dự phòng gì thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế : Để ngăn ngừa bệnh động mạch vành, ngoài dự phòng tốt những yếu tố nguy cơ như: điều trị tốt một số bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như: đái tháo đường; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu và béo phì. Chúng ta nên có một lối sống lành mạnh, không sử dụng chất kích thích, bỏ thuốc lá (nếu hút thuốc); tập thể dục thường xuyên và thích hợp: tốt nhất là 01 giờ/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần; tránh các stress(căng thẳng trong cuộc sống, công việc); ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật; hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân và thăm khám bác sĩ để có những phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

PV: Xin cám ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Đông, Phó Trưởng Khoa nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.

Tác giả: Thanh Loan

Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản

1562/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá Test khí máu

Lượt xem:28 | lượt tải:29

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:61 | lượt tải:41

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:82 | lượt tải:58

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:80 | lượt tải:57

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:146 | lượt tải:74
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay7,446
  • Tháng hiện tại118,064
  • Tổng lượt truy cập11,826,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây