Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Báo động tình trạng tự ý điều trị
Chị Hoàng Thị Thanh Hợi (xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) có bầu tháng thứ 9 nhưng phải vào Bệnh viện Phổi tỉnh cấp cứu do khó thở. Sau một tuần điều trị, chị đã có thể xuất viện. Chị Hợi chia sẻ: “Tôi bị hen gần 2 năm nay, chủ yếu uống thuốc gia truyền do người quen lấy từ xã Trường Sơn (Đức Thọ). Tuy nhiên, gần đây, dùng thuốc này không hiệu quả nên phải vào viện cấp cứu”.
Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi tỉnh chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản mạn tính.
Theo bác sỹ Phan Ngọc Lan - Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi tỉnh, thuốc mà chị Hợi tự dùng điều trị lâu nay rất giống với thuốc tán từ viên Salbutamol, dùng chữa các bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (giúp giãn phế quản). Tuy nhiên, trên bao bì không hề có nguồn gốc xuất xứ và các thông số về liều lượng, khuyến cáo. Điều này rất nguy hiểm đối với bệnh nhân vì bất cứ thuốc gì cũng có thể gây dị ứng và phản ứng phụ; nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc, dùng không đủ liều thì gây nhờn thuốc…
Không chỉ chị Hợi, tình trạng tự ý lấy thuốc điều trị bệnh, không theo chỉ dẫn của bác sỹ khá phổ biến. Theo bác sỹ Phan Ngọc Lan. Thực tế bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh phần lớn được chẩn đoán là hội chứng chồng lấp (ACOS). Qua điều tra tiền sử bệnh nhân cho thấy, hầu hết bệnh nhân không tuân thủ việc kiểm soát bệnh hen và điều trị bệnh viêm phổi cấp tính không đúng phác đồ nên để bệnh chuyển sang thể COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Bệnh COPD không thể chữa trị được mà sẽ đeo bám bệnh nhân suốt đời.
Đừng chủ quan
Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, mỗi trẻ mắc từ 5-7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Đáng nói, nhiễm khuẩn hô hấp có tỷ lệ mắc và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em Việt Nam. Theo các bác sỹ, một số bệnh hô hấp mặc dù đơn giản nhưng điều trị không dễ, do người bệnh lạm dụng thuốc, sử dụng kháng sinh bừa bãi. Đơn cử như bệnh viêm phổi do phế cầu, nhiều trường hợp nhập viện phải điều trị dài ngày, bệnh diễn tiến nặng, thậm chí có trường hợp tử vong, đó là do bệnh nhân bị kháng thuốc.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có các triệu chứng về bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc; tuyệt đối không được tự ý lấy thuốc điều trị; cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Với những người từ 60 tuổi trở lên, nhất là những người có bệnh mạn tính, cần tiêm vắc-xin phòng cúm và phòng phế cầu vì nếu không may mắc phải, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn. Một số nhóm đối tượng cũng được khuyến cáo tiêm vắc-xin như những người hay mắc bệnh cúm, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như các nhân viên y tế. Đặc biệt, đối với trẻ em, cần tuân thủ việc nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ nhiễm lạnh đột ngột; không để trẻ tiếp xúc với môi trường có khói thuốc…
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn