Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Dịch diễn biến phức tạp
Dù triển khai tích cực các hoạt động tuyên truyền song hiện nay, tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Tĩnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Gần đây nhất, dịch SXH xuất hiện tại thôn 4, xã Cẩm Lĩnh với 6 ca mắc. Điều đáng nói là các ca bệnh lại gần kề nhau và không đi xa, không tiếp xúc với người từ ngoại tỉnh về.
Ông Lê Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Trước nguy cơ dịch lan rộng, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung vào cuộc quyết liệt để phòng, chống dịch. Ngoài việc khoanh vùng, dập dịch tại nơi có các ca bệnh (thôn 4) bằng các giải pháp như phun hóa chất diệt muỗi, Cẩm Lĩnh còn phát động người dân trong toàn xã ra quân vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy”.
Cùng với xã Cẩm Lĩnh, cấp ủy, chính quyền phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) cũng đang tập trung quyết liệt cho công tác khống chế các ổ dịch SXH. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn vẫn còn 4 ổ dịch với 80 ca mắc. Theo nhận định, do các ổ dịch tại phường Kỳ Phương đã trải qua nhiều chu kỳ lây lan nên việc khống chế, kiểm soát đang gặp rất nhiều khó khăn.
heo tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 394 ca mắc SXH, trong đó 141 ca vãng lai và 253 ca mắc tại chỗ. Số ổ dịch được ghi nhận đến thời điểm này là 12, trong đó 7 ổ dịch đã kết thúc, 5 ổ dịch đang trong thời kỳ hoạt động tại TDP Nhân Thắng, TDP Thắng Lợi, TDP Nhân Hòa, TDP Quyết Tiến (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) và ổ dịch tại thôn 4 (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên).
Người dân vẫn chủ quan với SXH
Qua giám sát thực tế của ngành y tế tại các ổ dịch cho thấy, không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các địa bàn xuất hiện ổ dịch SXH, công tác vệ sinh môi trường còn rất hạn chế; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quyết liệt.
Xung quanh nhà các ca bệnh và cả cụm dân cư vẫn còn các vật dụng chứa nước không cần thiết, ao tù, nước đọng, tạo môi trường sinh sản cho muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh SXH.
Bác sỹ Trần Huy Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên cho biết: “Nguy cơ dịch bùng phát rất cao nhưng một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong triển khai các giải pháp phòng, chống. Đặc biệt, khi có các triệu chứng của bệnh, người dân đang tự điều trị tại nhà, chưa tự giác, kịp thời đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị khiến cho dịch tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng”.
Trước nguy cơ dịch SXH diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Tĩnh đang chỉ đạo các cơ sở y tế vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: "Hiện nay, dịch SXH đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh phía Nam và đối với Hà Tĩnh cũng đang là thời kỳ cao điểm của dịch. Chính vì vậy, đòi hỏi các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống. Khi phát hiện ổ dịch mới, cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để ổ dịch, tránh phát sinh thêm các ca bệnh và ổ dịch mới.
Để xử lý tận gốc nguy cơ SXH, việc triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường và các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi trưởng thành là đặc biệt quan trọng. Giải pháp này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện một cách thường xuyên, liên tục”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn