Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Chất thải nhựa đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08 ngày 29/7 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức người lao động trong Ngành tăng cường sử dụng thuộc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ, đóng gói, chứa đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định…
Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát đĩa, ống hút và các vật dụng khách làm từ túi nhựa dùng một lần hoặc túi ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn uống của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên trong ngành; tiến tới thay thế bằng vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu đưa chỉ tiêu giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh…về giảm thiểu chất thải nhựa.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến
Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà và đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc khẳng định sẽ cùng chung nỗ lực với thế giới về giảm thiếu chất thải nhựa, Việt Nam đang tập trung quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể được triển khai. Môi trường sống có quan hệ mật thiết với ngành Y tế, môi trường ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, việc Bộ Y tế ban hành Chỉ thị, tổ chức hội nghị triển khai về giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành là hết sức cần thiết, nhất là khi chất thải nhựa phát sinh trong ngành Y tế rất lớn và đến từ nhiều nguồn khác nhau.
Những nội dung, giải pháp mà Bộ đề ra trong Chỉ thị là hết sức khoa học, bài bản và có tính khả thi cao trong thực hiện và thể hiện tinh thần quyết tâm cao của Ngành. Mong Bộ, các cơ quan của bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc để thực hiện có hiệu quả các nội dung, giải pháp, giúp các dịch vụ y tế được triển khai an toàn, thân thiện với môi trường.
Ký cam kết giữa Sở Y tế với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế về thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành Y tế trước sự chứng kiến của các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký cam kết giữa Bộ Y tế với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, đã diễn ra lễ ký cam kết giữa Sở Y tế với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế về thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.
Tác giả: Tuấn Dũng
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn