Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
PGS, TS. Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19; Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo tình hình mới; một số văn bản trong công tác tiêm chủng. Theo đó, một số điểm mới trong công tác điều trị: Củng cố hệ thống điều trị, yêu cầu tất cả bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2,3 phải có hệ thống oxy trung tâm, bệnh viện tuyến tỉnh, hạng I trở lên phải bố trí tối thiểu 50 giường ICU; thiết lập trung tâm cấp cứu khu vực… Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông tin về tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19. Hiện Bộ Y tế đã tiếp nhận 11 đợt vắc xin, với tổng trên 8,2 triệu liều vắc xin. Vắc xin đã được cấp phát cho các địa phương, đơn vị và triển khai tiêm an toàn cho các đối tượng theo quy định. Hiện đã tiêm được trên 4 triệu mũi tiêm.
Đại diện các điểm cầu cũng có những ý kiến về một số nội dung liên quan đến công tác xét nghiệm, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19; ứng xử với những người đã được tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 là F1….
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất. Nâng công suất xét nghiệm, điều phối, trả kết quả xét nghiệm. Việc cách ly phải đảm bảo giảm thiểu tối đa lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly tập trung. Do chủng vi rút này có tốc độ lây nhiễm rất cao và mạnh. Công tác điều trị phải chuẩn bị ngay, các bệnh viện tuyến huyện, hạng 2,3 phải có hệ thống oxy trung tâm. Chủ động trong việc sản xuất oxy. Máy móc trang thiết bị vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ, tăng cường đào tạo nhân lực sử dụng máy thở. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng, triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin có một số thay đổi cơ bản trong phòng chống dịch hiện nay. Về vấn đề cách ly. Cụ thể giảm thời gian cách ly, dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm. Về xét nghiệm, trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR là chính, giờ thay đổi sử dụng test nhanh là chính, để tối ưu hóa vấn đề xét nghiệm, trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Lý do vì đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm, là cả gia đình và những người có tiếp xúc gần có thể bị nhiễm. Đặc biệt để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TPHCM nơi có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp 3-5 mẫu trong một test. Điều này vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốc độ, đảm bảo độ nhậy gần tương đương mẫu đơn. Dù vậy, Bộ trưởng lưu ý với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh chỉ nên gộp tối đa là 5. Về điều trị bệnh nhân COVID-19: thiết lập phần tầng theo các khu vực khác nhau. Thứ nhất, khu vực dành cho điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh. Thứ hai, đối với bệnh nhân có triệu chứng, sẽ chuyến đến điều trị tại các cơ sở y tế. Thứ ba, bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU). Cũng liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nói rõ, nếu bệnh nhân không triệu chứng có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày. Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên. Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, khi các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng, không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn