Đằng sau sự lặng thầm của các chiến sĩ áo trắng

Thứ bảy - 15/10/2016 05:19
Bệnh viện đa khoa Thạch Hà có cả một dàn thầy thuốc trẻ, khỏe với tác phong nhanh nhẹn hoạt bát. Họ đã lấy lòng bệnh nhân bằng công việc phục vụ thầm lặng hàng ngày.
Đằng sau sự lặng thầm của các chiến sĩ áo trắng

Vượt qua tất cả mọi khó khăn đời thường để thêm yêu nghề, thông cảm sâu sắc đối với những bệnh nhân nghèo. Càng thêm năm tháng, càng giàu kinh nghiệm nhằm  thu dung người bệnh trước những thử thách mới.

Gặp ca mới sinh tại phòng "sản phụ"

Vừa mới họp giao ban xong, thấy tôi đến và đang chờ trước cửa phòng, bác sĩ Lê Văn Bình, giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Hà bảo: "Mời anh xuống cùng tôi thăm khoa sản. Một sản phụ vừa mới sinh cách đây ba mươi phút, nghe trưởng khoa báo tin ca sinh đã mẹ tròn con vuông rồi. Tôi xuống kiểm tra và chia vui cùng gia đình họ".

Ánh mắt trẻ sơ sinh làm ấm lòng các bác sĩ

Anh Bình vẫn cầm trên tay chiếc điện thoại và cuốn sổ ghi chép, với bước đi xăng xái, trong bộ trang phục màu trắng. Tôi vui vẻ bước theo anh, chưa đầy năm phút đã tiếp cận được ca "vượt cạn" này. 

Sản phụ ấy tên là Hoàng Thị Tâm (24 tuổi quê xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) đang nằm với con gái vừa mới sinh. Trên người chị Tâm đắp một chiếc chăn mỏng, nhưng khuôn mặt đã hồng lên, nói cười kể chuyện với khách rất tự nhiên. 

Mẹ của sản phụ là một bà cụ nông dân gầy guộc và chân thật: "Vừa sinh xong nó đã kêu đói, tôi múc cháo gà từ trong cặp lồng ra đút, nó ăn đã khen ngon miệng".

Đối diện với chị Tâm, một phụ nữ khác và hai người nhà của họ cũng đang chờ sinh. Tôi lên tiếng hỏi bà cụ mẹ chị Tâm: "Bác thấy khoa sản ở đây thái độ phục vụ thế nào?". Bà cụ mắt sáng rỡ, tươi tắn lên: "Thú thật với chú họ nhiệt tình hết cỡ chú ạ. Đây là lần thứ hai tôi đưa dâu và con đến sinh ở bệnh viện này. Ca đẻ mô cũng thấy họ chu đáo cả".

Bà cụ nói tiếp: "Tui đưa con dâu nhà tôi tới lúc 10 giờ đêm. Tối quá các bác sĩ và y tá điều dưỡng túc trực suốt đêm, hết động viên con đến động viên mẹ. Mặc dầu họ bảo thai thuận, nhưng tâm trạng ai cũng thế, rất lo lắng và hồi hộp" . 

Nhìn cháu bé gái vừa mới sinh, niềm vui của gia đình chị Tâm truyền sang cho cả tôi. Đôi mắt cháu mở ra trông thật kháu khỉnh, cái miệng nhỏ xíu hé ra như nụ hoa vừa nở. 

Chị Tâm cho biết: "Sau khi cô Hương nữ hộ sinh tắm cho cháu xong, nó đã đòi bú ngay. Cô Hương căn dặn em phải cho cháu bú thường xuyên, không có gì  nuôi con tốt bằng sữa mẹ. Còn bác sĩ Phụ, trưởng khoa sản, dặn dò em đủ thứ cần thiết sau khi sinh".

Tiếp cận với các y tá điều dưỡng tại khoa sản, tôi thấy họ đều là nhân viên trẻ, tác phong hoạt bát. Nhưng  khi tôi hỏi về công việc, họ lại rụt rè và "tiết kiệm" lời. Chỉ đồng nghiệp chia sẻ, tôi mới thấu hiểu được "áp lực" công việc "ngày không giờ, tuần không thứ".  

Họ đã từng bế đầu tiên trên tay mình những hài nhi vừa mới cất tiếng khóc chào đời trong đêm mưa bão, hay những giờ phút đón giao thừa thiêng liêng nhất của dân tộc. Tiếng khóc ấy lắng lại trong tâm can mọi người, về ý thức  trách nhiệm và lương tâm của họ, đối với cộng đồng. 

Tôi hiểu người ta ví phụ nữ trong khi sinh giống như "con thuyền vượt cạn". Những lúc ấy, mọi sự cố nguy hiểm có thể xảy ra đều trông cậy vào y đức và tay nghề của đội ngũ thầy thuốc. 

Nhiều năm qua Bệnh viện đa khoa Thạch Hà đã đưa nhiều con thuyền "mắc cạn" rất nguy hiểm tới bến an toàn. 

Chăm sóc bệnh nhân là niềm vui của bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thạch Hà

Gần đây nhất sản phụ Trần Thị Anh (quê ở Thạch Trị) bị mất máu nhiều. Nếu không được tiếp máu, bệnh nhân sẽ tử vong. Trước nguy cơ này một cán bộ cùng nhóm máu đã trợ giúp chị thoát khỏi cơn nguy kịch.  

Hơn ai hết họ thấm thía rằng "Một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại", nên lúc cần hỗ trợ chẳng ai vô cảm thờ ơ với chuyện này. Chỉ tính riêng năm 2016, trong tập thể bệnh viện đã có 9 người tham gia hiến máu, cứu sống 5 bệnh nhân.

Đến chuyện bên bàn mổ 

Câu chuyện bác sĩ Lê Văn Bình thuật lại cho tôi nghe mà "sởn gai ốc". Bác sĩ Bình bảo: "Cách đây một tháng, một anh bạn của tôi dẫn vào phòng một người phụ nữ và giới thiệu: Đây là đứa em gái của tôi, không hiểu sao bụng ngày một cứ phình to như thai đã gần 9 tháng. Người nhà ai cũng nghi ngờ "o Chiến" có thai, nhưng "o Chiến" lại rất mệt mỏi, chán ăn và chẳng thấy thai nhi" quậy" ở trong bụng. Nhờ anh Bình gọi bác sĩ  khám giúp cho tôi tý ". 

Ngay lập tức, anh Bình dẫn bệnh nhân đến phòng khám làm thủ tục giấy tờ. Người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Chiến (44 tuổi quê ở xóm Yên Thọ, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà). Một lát sau, tại phòng khám các y bác sĩ đã kịp thời thông báo cho người anh ruột của bệnh nhân biết: "Sau khi làm kỹ các công đoạn từ khám lâm sàng đến xét nghiệm, siêu âm đã phát hiện một u nang buồng trứng bên phải rất lớn, nó đã phình to chiếm gần hết ổ bụng. 

Nguy hiểm nhất "khối u kỳ dị"  này đã chèn ép vào đại tràng, thận, nếu không mổ kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sinh mạng bệnh nhân" . Người nhà chấp nhận theo ý kiến bác sĩ  Phụ và ca mổ được tiến hành trong thời gian 2 tiếng đồng hồ. Bác sĩ Phụ chỉ đạo kíp mổ đã thành công,  phải vất vả lắm mới hút hết gần 10 lít nước dịch màu vàng, bóc tách được khối u ra ngoài cơ thể. 

Một khối u tròn to gấp đôi quả bóng được bơm căng, đặt lên bàn cân nặng tới 10 kg. Khối u nặng nhất lịch sử ấy  đã "gây sốc" cho cả người nhà và tập thể bệnh viên hôm đó.

Bác sĩ Nguyễn Lương Phụ bảo tôi: "Nhưng rất may mắn cho bệnh nhân Nguyễn Thị Chiến, khối u dù "khủng"  thế nhưng đây là một khối u lành tính. Ngay chiều hôm ấy bệnh nhân đã uống được sữa, được các y bác sĩ ở đây, chăm sóc chu đáo nên chỉ một tuần lễ bệnh nhân đã nhanh chóng phục hồi sức khỏe và xuất viện, trong sự mừng rỡ khôn xiết của gia đình".

Nụ cười sản phụ

Trở lại câu chuyện bên bàn mổ, bác sĩ Nguyễn Thế Phiệt (trưởng khoa cấp cứu  và điều trị) tiết lộ cho tôi nhiều thông tin mới mẻ: Hiện nay bệnh viện đã đưa khu nhà kỹ thuật vào hoạt động. Đây là một khu cơ cấu 3 phòng mổ, kèm theo phòng hậu phẫu gây mê hồi sức. Tầng 1 khoa điều trị tích cực được trang bị hệ thống ô xy, khí nén, máy hút tập trung.

Năm 2014 đơn vị đã tiến hành lắp đặt hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng kèm theo máy gây mê hồi sức. Đến năm 2015 bệnh viện bước thêm một bước tiến mới,  trang bị hệ thống phẫu thuật nội soi tiết niệu. 

Nhờ lắp đặt các trang thiết bị hiện đại và chủ động mời các giáo sư, bác sĩ giỏi ở Bệnh Viện Trung ương Huế về chuyển giao kỹ thuật mới,  bây giờ bác sĩ Trần Hữu Ngọc (một trong những bác sĩ trẻ có năng lực)  lĩnh hội và thực hiện thành công phương pháp phẫu  thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật kết hợp xương đùi, xương đòn, xương cẳng chân. Từ khi triển khai phẫu thuật nội soi, số lượng bệnh tăng gấp ba lần so với phương pháp "mổ banh" truyền thống trước kia. 

Đặc biệt số trẻ em nhỏ tuổi hay các bậc cao niên bị viêm ruột thừa, đều được bệnh viện xử lý thành công. Các bệnh nhân phẫu thuật nội soi thường gặp như u xơ tiền liệt tuyến, sỏi thận, sỏi niệu quản, cắt amidan. 

Tôi liếc bản tông kết thấy đề "9 tháng năm 2016, Bệnh viện đa khoa Thạch Hà đã đón 1079 lượt bệnh nhân vào phẫu thuật thành công (trong đó hàng trăm ca mổ được sử dụng bằng phương pháp nội soi). Thành công của từng kíp mổ, nó không chỉ nâng thêm "vị thế" của người thầy thuốc ở bệnh viện tuyến huyện, nó còn giảm phiền hà cho bệnh nhân khi phải  làm thủ tục chuyển lên tuyến trên.

Môi trường sạch, bệnh viện xanh

Sau khi đi tham quan các dãy nhà, được chứng kiến từ hệ thống bàn mổ, chậu rữa, bình cài đặt hệ thống ô xy khí nén,... với những thiết bị y tế mới nhất, đủ đảm bảo cho bệnh nhân phẩu thuật vô trùng tuyệt đối. 

Bác sĩ Lê Văn Bình giám đốc, dẫn tôi tới khu vực phía sân sau bệnh viện. Bác sĩ Bình bảo: "Chúng tôi không chỉ bị ràng buộc về áp lực công việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân mà còn lo cả xử lý về rác thải y tế. Nhất là rác thải của bệnh nhân sau khi mổ. Nào bông băng, nào kim tiêm, chai lọ ngày nào cũng nhiều cả". 

Không cần anh Bình phân bua, chỉ liếc qua tôi đủ hình dung "núi rác"  tại đây. Mới mới chưa đầy ba tiếng đồng hồ trong buổi sáng, gian "hàng rác" bệnh viện đã ngất ngưởng các bao ni lông đủ "thượng vàng hạ cám" được các hộ lý chuyển xuống đây.

- Bệnh viện xử lý rác thải này như thế nào? Các anh có "lò đốt"  tại chỗ không? 

Bác sĩ  Bình đáp: - Ở đây có hai loại rác, một loại rác liên quan đến từ phòng mổ, phòng sản phụ  và các phòng điều trị khác. Một loại rác sinh hoạt của bệnh nhân. Loại rác y tế đơn vị chuyển giao cho Công ty TNHH Phú Hà, loại rác thải sinh hoạt chuyển giao cho Công ty môi trường đô thị Thạch Hà xử lý.

Tôi hỏi bác sĩ Bình: - Thế các anh không dùng" lò  đốt"  để xử lý tại chỗ à.

Bác sĩ Bình nói: - Trước đây bệnh viện này có dùng lò đốt để xử lý rác thải tại chỗ, nhưng xử lý theo kiểu này bất tiện lắm. Vì công nghệ lò đốt kiểu ni đã lỗi thời, nên sẽ gây nên ô nhiễm môi trường, chúng tôi bỏ từ lâu rồi. Thuê các công ty chuyên nghiệp về rác đảm nhận cho mình là hay nhất. Còn hệ thống thoát nước thải, đã được huyện Thạch Hà đầu tư và xây dựng đường ống kiến cố ở ngay  ngoài hàng rào bệnh viện. 

Càng đi sâu vào bệnh viện từ phòng khám, đến nơi ở bệnh nhân, bếp ăn tập thể chổ nào cũng sạch, chỗ nào cũng có thùng đựng rác dựng ở một góc khuất cạnh bờ tường. Trên mặt thùng rác nổi bật dòng chữ "Xin đừng quên tôi ". 

Vâng! để đừng quên bỏ rác vào thùng mỗi ngày phải có một xây dựng rèn luyện ý thức mọi người chung sức gìn giữ. Ngay từ khi bệnh nhân nhập viện, các y tá và hộ lý đã chủ động nhắc nhở bệnh nhân trong ăn ở  sinh hoạt hàng ngày. Từ chuyện hướng dẫn  bệnh nhân mặc trang phục phát cho người bệnh đén việc tắm giặt và vệ sinh. 

Một cô hộ lý nhắc lại chuyện cũ với tôi: "Năm ngoái một bác nông dân trung tuổi đến đây điều trị dạ dày. Uống sữa xong ông ta quẳng ngay vỏ  sữa xuống nền nhà. Em phát hiện thấy, nhưng chẳng hề nặng lời với ông ta. Em lẳng lặng nhặt bỏ vào hộp rác. Sau đó em quay lại, ôn tồn bảo "cháu hôm trước dặn bác và mọi người trong phòng "bỏ giúp rác" vào góc này, nhưng bác quên phải không. Người đàn ông nọ đỏ mặt và xin lỗi. Từ đó ông không hề tái phạm nữa".

"Nghề thầy thuốc là "nghề làm dâu trăm họ" chăm sóc bệnh nhân tốt thì họ khen, nếu làm sơ suất tý họ cũng phản ứng ngay. Nhưng bệnh viện quyết không để cán bộ nhân viên xẩy ra mâu thuẩn lớn với bệnh nhân. Chúng tôi giám sát và kiểm tra hàng ngày để đánh giá năng lực chuyên môn, đạo đức từng cá nhân, tiêu chuẩn thi đua từng khoa phòng". Bác sĩ Lê Văn Bình giám đốc  chia sẽ.

Thật ngỡ ngàng, tại ban công tầng ba, gần phòng làm việc của giám đốc Bình lại  xuất hiện một bình hoa mười giờ. Bình hoa mười giờ đỏ thắm ấy. Nghe vị giám đốc bảo hoa thắm nhờ phân lịch tưới đều. Không chỉ tưới hoa mười giờ mà tưới đủ cây xanh, bồn hoa khuôn viên bệnh viện. Một "bệnh viện sạch" để hành trình tới một "bệnh viện xanh" đã được hoạch định. Nhiều cây xanh được đưa  về quây quần quanh hòn non bộ, đài phun nước và ghế đá cho bệnh nhân ngồi thư giản. 

Đoạn kết 

Dù đã có gắng đổi mới toàn diện, nhưng tôi  hiểu bệnh viện đa khoa Thạch Hà, trong bối cảnh mới không phải không có những khó khăn lớn đang phải đối mặt  thu dung bệnh nhân. Một vấn đề nan giải  trong công tác thu chi "viện phí" hiện nay. Bệnh viện vẫn đang trong tình trạng "lực bất tòng tâm" như nợ phát sinh tiền "quỹ bảo hiểm y tế" (trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân) lên tới gần 8  tỷ đồng. 

Trong điều kiện thực hiện cơ chế "thông tuyến" lại bị không ít những bệnh nhân "trục lợi" quỹ bảo hiểm y tế như hiện nay thì dầu đơn vị nào quá tải " bệnh nhân "cũng không có thêm nguồn thu nhập cho đội ngũ thầy thuốc  và mối nguy cơ "phình nợ" quỹ bảo hiểm y tế lại càng lớn. Bệnh viện nếu thưa thớt bệnh nhân, để thiết bị máy móc hao mòn theo năm tháng, bác sĩ chân trong chân ngoài  việc lại càng gay go. Điều trị người bệnh theo yêu cầu ư, khi mọi chính sách và cơ chế của ngành y chưa đồng nhất, sự cạnh tranh "mạnh ai nấy được" thì những đơn vị cấp huyện như Thạch Hà đủ   sức khỏe "vươn vai" còn rất khó.

Tác giả: Phan Thế Cải

Nguồn tin: Báo Infonet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

1562/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá Test khí máu

Lượt xem:23 | lượt tải:26

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:58 | lượt tải:41

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:79 | lượt tải:58

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:77 | lượt tải:56

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:144 | lượt tải:74
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay7,897
  • Tháng hiện tại104,645
  • Tổng lượt truy cập11,812,763
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây