Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, trung bình mỗi ngày có từ 60 - 70 bệnh nhân nhi điều trị nội trú, nhưng hơn 1 tuần trở lại đây, bệnh nhi nhập viện tăng, mỗi ngày có từ 85 - 90 trẻ. Còn tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh, trung bình mỗi ngày khám chữa bệnh ngoại trú cho 50 - 60 bệnh nhân nhi, khám chữa bệnh nội trú khoảng 50 trường hợp. Những ngày gần đây, số bệnh nhân nhi tăng cao, có ngày khám chữa bệnh ngoại trú cho trên 80 lượt; nội trú 75 bệnh nhân, có ngày lên đến 100.
Trung bình mỗi ngày có từ 85 - 90 bệnh nhi điều trị nội trú tại BVĐK Hà Tĩnh
Các bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp, chiếm 85%. Hầu hết trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy do vi-rút rota.
Bệnh nhân gia tăng đã gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện vì theo kế hoạch, Khoa Nhi BVĐK tỉnh chỉ có 60 giường; BVĐK thành phố Hà Tĩnh chỉ 20 giường. Vì thế, để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, các bệnh viện đã sắp xếp, kê thêm giường; tăng cường y, bác sĩ hỗ trợ khoa nhi. Tuy nhiên, số người phục vụ và số giường bệnh kê thêm không được BHYT chi trả, nên bệnh viện phải chăm sóc, điều trị miễn phí cho bệnh nhân - bác sĩ Lê Hữu Anh - Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Hữu Anh, với thời tiết lạnh, thời gian tới, số bệnh nhi sẽ tăng cao nếu phụ huynh không biết cách phòng bệnh. Vì thế, để phòng bệnh về đường hô hấp cho trẻ, phụ huynh cần giữ ấm phần cổ, ngực, không cho trẻ uống nước đá, đồ uống lạnh. Ngoài ra, khi thấy trẻ có biểu hiện ho, sốt cao thì nên đưa đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Đối với những trẻ có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi thì cần đến bệnh viện kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nặng.
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh.
Bệnh do vi-rút rota thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 3-24 tháng tuổi, trong 5 năm đầu đời, phần lớn trẻ nhỏ đều mắc phải bệnh này. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong, nếu không được bù nước kịp thời. Vì vậy, nếu thấy trẻ bị tiêu chảy, kèm ho, sốt, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm.
Ngoài ra, trong mùa lạnh, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ cao hơn vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể, do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo,
vitamin và khoáng chất) để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài việc bổ sung các bữa ăn chính đầy đủ chất, cha mẹ nên cung cấp năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món như súp, canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên. Bên cạnh đó, trẻ cần uống nhiều nước, giữ vệ sinh tay chân, chăm sóc răng miệng sạch sẽ giúp phòng bệnh. Cha mẹ cũng cần lưu ý tới giấc ngủ của trẻ, một giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn.
Tác giả: Thanh Loan
Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn