Phòng bệnh thường gặp mùa nắng nóng ở trẻ

Thứ hai - 24/06/2019 23:31
Mùa nắng nóng độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi... bùng phát. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sốt virut

Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho... Khi bị sốt do virut, triệu chứng sốt có thể duy trì trong vài ngày, dùng thuốc hạ sốt thông thường, thân nhiệt cũng không giảm là bao. Sau khi đỡ sốt, trẻ có thể phát ban (hay gặp nhất là sốt do virut Rubella). Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường mọc tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy.

Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Cần theo dõi các dấu hiệu biến chứng: đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật...để phát hiện các triệu chứng của viêm não và cần được điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh do virut đường ruột Enterovirus (E71) và Coxcakieruses gây nên, lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Bệnh gặp nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi...

Quan sát có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ. Khi trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến biến chứng của bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tiến triển nguy hiểm dáng ngại của bệnh là các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ, thở nhanh. Đồng thời bệnh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh thường gặp mùa nắng nóng ở trẻ

Nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè khiến sức đề kháng của trẻ giảm sút nên dễ mắc bệnh ( Ảnh minh họa).

Tiêu chảy cấp

Mùa nóng thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy ở trẻ. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Triệu chứng bệnh: trẻ đi ngoài 10-15 lần/ngày, phân lỏng, nhiều nước có mùi chua nhiều khi có nhầy máu; nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn; trẻ biếng ăn hơn, uống nhiều nước, tiểu ít; có thể có các biểu hiện về viêm đường hô hấp như ho, chảy mũi, khám thấy viêm họng cấp, phát ban. Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất nước, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. Tình trạng tiêu chảy kéo dài làm cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng và cơ thể suy nhược, giảm miễn dịch.

Viêm não Nhật Bản B

Bệnh viêm não Nhật Bản B do virut Arbo gây ra. Virut gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Mùa hè nóng nực là cơ hội cho bệnh viêm não Nhật Bản B xuất hiện và khả năng bùng phát cao. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỉ lệ trên 90% số ca mắc). Bệnh có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.

Phòng bệnh thường gặp mùa nắng nóng ở trẻ

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản B cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: T M

Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng nhanh vào mùa hè nắng nóng. Sốt xuất huyết dengue là một bệnh do virut lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2-7 ngày, kèm theo biểu hiện sau: đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Một số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Sau đó bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Gan có thể to sau vài ngày.

Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải được cấp cứu ngay, đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm tính mạng.

Các biện pháp phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè

Giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa. Điều quan trọng hơn cả là tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải thật sạch sẽ, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.

Tiêm ngừa đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này. Khi phát hiện sức khỏe của trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:36 | lượt tải:25

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:54 | lượt tải:40

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:52 | lượt tải:37

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:122 | lượt tải:58

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:149 | lượt tải:52
  • Đang truy cập172
  • Hôm nay4,574
  • Tháng hiện tại224,883
  • Tổng lượt truy cập11,659,033
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây