Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Những lời quảng cáo hấp dẫn... nhưng trên sản phẩm đa phần không có hạn dùng
Trên thị trường hiện đang có nhiều cửa hàng rồi các trang mạng xã hội đều quảng cáo bánh trung thu nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia... nhân bánh có nhiều vị hoa quả: cam, dâu, dưa lưới, dâu tây, xoài, đậu đỏ...
Bánh trung thu nhập lậu siêu rẻ.
Trên các trang mạng xã hội, bánh trung thu giá rẻ thậm chí còn rao bán những chiếc bánh trung thu có giá 5.000 đồng, nếu mua với số lượng lớn giá bánh chưa đến 1 nửa giá bán lẻ. Theo chị Thanh Hà - một người bán bánh trung thu ở Thanh Xuân (Hà Nội), bánh trung thu giá rẻ “về đến đâu, hết đến đấy”. Vị bánh ngọt dễ ăn, giá “hạt dẻ” nên mọi người thích, bán chạy. Người bán hàng này cũng cho biết, nhiều cửa hàng tạp hóa, sinh viên, khách hàng trẻ hay đặt cả vài chục chiếc một lần mua. Ai thích mua cái thì bán theo cái, ai thích mua kg thì bán theo kg.
Không chỉ được rao bán tràn lan trên mạng, tại nhiều địa điểm như chợ đầu mối Long Biên, làng bánh kẹo La Phù, thị trấn Trôi (Hoài Đức)... bánh trung thu giá rẻ của Đài Loan (Trung Quốc) cũng được bày bán.
Một cửa hàng bánh ở phố La Phù cho biết, bánh trung thu siêu rẻ được nhập về từ Đài Loan (Trung Quốc), là hàng nội địa nên chất lượng đảm bảo. Bánh nhân hoa quả có vị ngọt nhẹ của hoa quả tự nhiên, bánh thập cẩm không làm nhân lạp xưởng nên rất dễ ăn, không bị ngấy. Vì chỉ nhập hàng loại 1 nên người bán hàng này đưa ra giá, 100.000 đồng/ 1 set gồm 25 bánh hoặc 199.000 được 2,5kg bánh (tương đương 50-60 chiếc). Hạn sử dụng bánh là 3 tháng nên khách có thể mua từ bây giờ đến qua trung thu vẫn dùng thoải mái, chưa hết hạn. Quan sát bên ngoài, những chiếc bánh trung thu giá rẻ này đều là bánh nướng, được đóng gói trong túi nilon có in các dòng chữ giản thể Trung Quốc. Bánh không có hộp mà được chủ hàng đựng trong các thùng carton lớn, bóc từng bánh bán lẻ và gần như chỉ có ngày sản xuất mà không có hạn dùng.
Tương tự, bánh trung thu nhập từ Singapore, Malaysia, Hồng Kông với giá cả triệu đồng một hộp cũng được “rao” bán nhộn nhịp. Tuy nhiên, khi hỏi về hóa đơn chứng từ nhập khẩu, hầu hết các cửa hàng đều lắc đầu với lý do là “hàng xách tay”. Một đầu mối cho biết, dù không có hóa đơn, toàn bộ thông tin về sản phẩm đã được in trên nhãn mác. Về khâu bảo quản, nhiều nơi cũng nói không đáng lo ngại bởi hàng bán chạy, nhập đến đâu hết tới đó.Khuyến cáo của chuyên gia
Cách đây 1 tuần, Đội Quản lý thị trường số 24, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở bánh trung thu trên nằm trên địa bàn La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Bên ngoài cơ sở là biển hiệu cơ sở chế biến nông sản Huyền Trang, nhưng bên trong là cả một kho tập kết bánh trung thu và bánh ngọt các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông Nguyễn Quang Ninh đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Ngoài bánh trung thu, cơ sở này còn bán nhiều sản phẩm bánh ngọt, in mác chữ nước ngoài, có ngày sản xuất và không có ngày hết hạn. Chủ cơ sở cho biết, giá mỗi chiếc bánh trung thu nhập từ 2.000 - 3.000 đồng/chiếc. Đây là lô hàng lô thứ 3 cơ sở nhập về từ Lào Cai. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 14.000 chiếc bánh trung thu, 3.200 chiếc bánh ngọt để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Huy Cường, Đội Quản lý thị trường số 24, những mặt hàng nhập lậu chủ yếu được vận chuyển trong đêm nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Hơn nữa, họ thường bán hàng qua mạng xã hội nên khi đi trinh sát khó kiểm tra.
Trước thực trạng này, mới đây Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, đơn vị này nhận được thông tin phản ánh về việc gần đây có tình trạng bánh trung thu nhập lậu từ nước ngoài tràn lan trên thị trường, giá thành rất rẻ, nguy cơ mất ATTP... Do đó, Cục đã có văn bản đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương triển khai gấp việc kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin trên theo đúng quy định của pháp luật. Cùng đó, Bộ Công thương cần tăng cường kiểm soát ATTP đối với việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện nay thị trường bánh trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thời gian sản xuất, hạn dùng, không ham rẻ, màu sắc bắt mắt. Đối với các loại bánh trung thu nhập ngoại nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua.
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn