Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tránh ô nhiễm không khí
Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tạo môi trường sống trong nhà sạch làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp hen phế quản. Chú ý tới vật nuôi trong nhà vì chúng có thể thải dị nguyên tới bất cứ nơi nào trong nhà, biện pháp tốt nhất là không nuôi bất cứ vật nuôi nào khi trong nhà đã có người được chẩn đoán hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp. Vì vậy, cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; tránh hút thuốc, khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.
Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc
Hút thuốc làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị giảm hoạt động, làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp. Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả, do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể số bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính trong tương lai, làm chậm lại đáng kể tốc độ xấu đi của chức năng thông khí phổi. Bên cạnh đó, không hút thuốc làm giảm tần suất các nhiễm trùng hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản,...
Về chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn rất quan trọng, vì vậy cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.
Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp
Các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng cần được điều trị triệt để nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi,... Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu, cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp vỗ rung lồng ngực. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Liệu pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân giãn phế quản.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn