Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Chạy đua thời gian để tạo phép màu
Nói về ca ghép tạng xuyên Việt lần thứ 2 này, GS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (bệnh viện Việt Đức) – người thực hiện ca ghép tim thông tin với phóng viên: “Người được ghép tim là nam, 64 tuổi, đã bị suy tim từ năm 2005, từng đặt tới 9 stent (một biện pháp can thiệp tim tiên tiến kỹ thuật cao), nhưng đến trước khi ghép tạng thì tim hầu như đã hỏng. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy thận, phù phổi, sự sống chỉ tính từng giờ”.
Trong khi đó, người hiến tạng bị tai nạn giao thông, huyết áp tụt và điều này rất dễ ảnh hưởng đến thận. May mắn, thận đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy, còn tim, gan được nhanh chóng chuyển ra Hà Nội ghép cho các bệnh nhân đang chờ.
“Ngày hậu phẫu đầu tiên là ngày khủng khiếp nhất, bởi tình trạng bệnh nhân cực nặng. Có 3 phương pháp hiện đại nhất, thì đã dùng cho người bệnh 2. Phương pháp cuối cùng là ECMO cũng được chỉ định nhưng không thể tiến hành vì phải giảm đông máu rất nhiều, bệnh nhân sẽ chết vì chảy máu. Các thuốc trợ tim liều cao, bác sỹ túc trực không rời bệnh nhân một phút để sẵn sàng hồi sức...
Sau 24 giờ, như có phép màu, mọi chuyện đều ổn định”, GS Ước nhớ lại thời khắc lúc đó. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, một trong những chuyên gia đầu ngành về ghép gan tại Việt Nam – người trực tiếp tham gia ca ghép gan lần này cho biết: “Xét về mặt kỹ thuật, chúng tôi nắm chắc. Đây là lần thứ 2 ghép tạng xuyên Việt nên quy trình không bị bối rối như lần đầu. Tuy nhiên, vì lấy tạng trên bệnh nhân nam chết não đã trên 40 giờ nên các ca ghép có nguy cơ gặp nhiều rủi ro”.
Gật đầu trao sự sống
Chiều 8/5, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM bộc bạch: “Ca ghép tạng thành công khiến các bác sỹ tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM rất vui mừng”.
Theo thông tin bác sỹ Thu cung cấp, người cho tạng trong ca ghép xuyên Việt này là một nam thanh niên mới 20 tuổi, chết do gặp phải tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau khi xác định người chết não mang nhóm máu O tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thân nhân của nạn nhân đã đồng ý hiến cho y học 2 thận, gan, tim và 2 giác mạc.
“Tôi nhớ rất rõ, thời điểm nhận được cái gật đầu đồng ý của gia đình nạn nhân là lúc 14h21’ chiều 25/4. Ngay lúc đó, tôi đã chuẩn bị các văn bản, hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan. Sau đó, bệnh viện cũng nhận được thông tin từ bệnh viện Việt Đức cho biết, tại bệnh viện có 2 vị tướng ngành công an đang cần ghép tạng do mắc bệnh suy gan, suy tim giai đoạn cuối”, bác sỹ Thu chia sẻ.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) – một trong những thành viên đoàn công tác vào TP.HCM lấy tạng chia sẻ: “Sau những ca ghép thận, gan, tim, giác mạc... thành công, thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh. Hai tạng được điều phối xuyên Việt lần thứ 2 thành công trọn vẹn. Những việc làm thầm lặng, không chỉ mang niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh, cộng đồng mà còn cho cả chính chúng tôi! Xin tri ân người hiến tạng, tri ân những bàn tay vàng của các cán bộ y tế. Tôi thấy lòng mình thật thanh thản!”.
Người đứng đầu ngành công an và y tế thăm 2 bệnh nhân ghép tạng Chiều 6/5, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến bệnh viện Việt Đức thăm 2 bệnh nhân may mắn được ghép tạng lần này. Tại đây, Thượng tướng Tô Lâm chia sẻ những khó khăn với các y bác sỹ trong quá trình ghép tạng và cho biết, bộ Công an sẽ tặng bệnh viện Việt Đức hai hộp dụng cụ bảo quản tạng trị giá gần 5 tỉ đồng. Đây là dụng cụ hiện đại nhất hiện nay giúp bảo quản tạng của người hiến, khi tạng lấy ra để trong hộp này sẽ vẫn như trong cơ thể người, giúp bảo quản tốt chức năng tạng trước khi ghép. Trước đó, bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên với nguồn tạng từ TP.HCM. |
Tác giả: Đỗ Thơm - Thu Huyền
Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn