TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀ

https://trungtamytethachha.vn


Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc

Sáng nay (24/8), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu bật những kết quả đạt được trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trong toàn quốc; những khó khăn, bất cập và  giải pháp của ngành trong thời gian tới.


Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị

Theo đó, kết quả quá trình triển khai tại Trung ương đã xây dựng cơ sở dữ liệu dược quốc gia và phần mềm triển khai thí điểm: Chuẩn hóa được 52000/ khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế; Xây dựng Platform quản lý Core Dược quốc gia và các chuẩn liên thông dữ liệu (API) cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác, phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) cho bệnh viện, phần mềm của các cơ sở sản xuất và xuất nhập khẩu; Triển khai việc kết nối với phần mềm quản lý bệnh viện của VNPT, Viettel về liên thông đơn thuốc; Xây dựng mã đơn thuốc quốc gia, mã cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 bao gồm  23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế; 18 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm tổng hợp các thông tin chung trên địa bàn tỉnh/thành phố; 12 tiêu chí  chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm đối với đơn thuốc đảm bảo kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc. Đồng thời cơ quan quản lý, Sở Y tế sẽ biết được tại địa phương mình hiện các cơ sở bán lẻ thuốc đang kinh doanh bao nhiêu loại thuốc, mỗi loại thuốc còn tồn bao nhiêu, hạn dùng và chất lượng thuốc. Bộ Y tế sẽ biết được trên toàn quốc các cơ sở bán lẻ thuốc đang kinh doanh bao nhiêu loại thuốc, mỗi loại thuốc còn tồn bao nhiêu, hạn dùng và chất lượng thuốc. Bộ Y tế phối hợp Viettel đã chuẩn bị xong bộ tài liệu tập huấn hướng dẫn sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin. Với bộ tài liệu hướng dẫn này các cơ sở bán lẻ thuốc có thể tự học và thực hiện được kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Tại địa phương, ngoài 4 tỉnh triển khai thí điểm như tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định đã có thêm 25 tỉnh đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc. Kết quả thực hiện tại 25 tỉnh, đã cấp acount cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, có 1915 cơ sở đã thường xuyên cập nhật số liệu về hoạt động mua, bán thuốc, 22.196 đơn thuốc.

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng…; Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng…; Cơ quan quản lý Dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định. Phân tích được dữ liệu sử dụng thuốc ở các địa bàn, chỉ đạo luân chuyển kịp thời khi có dịch bệnh.

Tại Hà Tĩnh, tính đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có 948 cơ sở kinh doanh dược, gồm: 02 nhà máy sản xuất thuốc; 20 cơ sở bán buôn thuốc và 926 cơ sở bán lẻ thuốc đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Từ tháng 07/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Y Tế phối hợp cùng Viettel Hà Tĩnh triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh. Tính đến ngày 22/8/2018 đã thực hiện tập huấn, đào tạo tập trung phần mềm cho 54 chủ nhà thuốc và nhân viên nhà thuốc; Khảo sát cơ sở hạ tầng 54 nhà thuốc từ ngày 11/7 đến 15/7: tại thời điểm khảo sát đang còn 16 nhà thuốc (30%) chưa có máy tính và đường truyền internet; Thực hiện cài đặt phần mềm cho 54/54 nhà thuốc, hiện đã có 45/54 ~ 83% nhà thuốc liên thông dữ liệu hàng ngày về hệ thống dược Quốc gia.


Đống chí Đặng Quốc Vinh  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Bác sỹ Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh


Đối với hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân: Tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Viettel Hà Tĩnh triển khai hệ thống Quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân, đến nay đã có trên 85% người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, liên thông dữ liệu với 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Do đó, khi đưa hệ thống quản lý cơ sở cung ứng thuốc và kết nối liên thông vào thực hiện, liên thông dữ liệu với hệ thống Hồ sơ sức khỏe, việc quản lý công tác dược, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại trạm y tế xã, phường sẽ được thực hiện tốt hơn.

Hà Tĩnh cũng đã triển khai thực hiện phần mềm mạng y tế cộng đồng – Medcomm. Hiện nay phần mềm đã được cài đặt và sử dụng miễn phí cho 948 (100%) cơ sở kinh doanh dược và cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Phần mềm cung cấp “bản đồ số hóa” tổng quan về mật độ cơ sở hành nghề trên từng địa bàn; tạo ra các thống kê, cảnh báo giúp nhà quản lý, cơ sở kinh doanh biết được cơ sở sắp hết hạn giấy phép cũng như gửi các thông báo của ngành tới các cơ sở để cập nhật nhanh nhất về các thông tin thuốc, thông tin đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc, mỹ phẩm… Đồng thời hỗ trợ người dân tìm kiếm thông tin liên hệ, địa chỉ và dẫn đường các cơ sở hành nghề y, dược đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm đưa vào triển khai trên toàn quốc hệ thống ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để phục vụ người dân

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thực tế lâu nay, người dân chưa được theo dõi, quản lý về sức khỏe. Vì vậy, cùng với tạo lập hồ sơ sức khỏe, tiến tới quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử thì việc kết nối và quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc có vai trò vô cùng quan trọng. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc sẽ tạo ra công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý. Về phía nhà thuốc, sẽ tối ưu hóa việc kinh doanh. Đặc biệt, quan trọng nhất là mang lại lợi ích lớn cho nhân dân. Chỉ cần thông qua công cụ máy tính hoặc điện thoại, người dân sẽ biết được các thông tin liên quan để lựa chọn các nhà thuốc, từ đó tiến tới loại bỏ mọi hành vi kinh doanh không trong sạch, có tính gian lận. Phó Thủ tướng chính phủ cũng cho rằng, quá trình triển khai ứng dụng những công nghệ này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây là nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm của mỗi nhà thuốc đối với xã hội và người dân. Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành để việc quản lý thuốc được công khai minh bạch vì lợi ích của nhân dân.
 

Tại Nghị quyết số 90/ NQ-CP ngày 10/7/2018 của Chính phủ Nghị quyết phiên họp chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ 6 tháng năm 2018 đã giao Bộ Y tế trong thời gian tới phải “chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành 5 bệnh viện trung ương và tuyến cuối đi vào hoạt động. Thực hiện việc kết nối mạng các nhà thuốc cơ sở cung ứng thuốc theo quy định, kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn thuốc, mua bán và sử dụng thuốc theo đơn, quản lý hiệu quả hệ thống cung ứng thuốc. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kết nối mạng các nhà thuốc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cung ứng thuốc thực hiện”.

Tác giả: Thu Hòa

Nguồn tin: Sở Y tế Hà Tĩnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây