TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀ

https://trungtamytethachha.vn


Có nên dừng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin trong bệnh thận mạn tiến triển?

Một nghiên cứu quan sát lớn của Thụy Điển cho thấy bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính (CKD) tiến triển nên tiếp tục dùng thuốc chứa chất ức chế hệ renin-angiotensin (RASi) - chất ức chế thụ thể angiotensin (ARB) hoặc chất ức chế men chuyển (ACE).
Cần cân nhắc trước khi dừng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tiến triển.

Cần cân nhắc trước khi dừng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tiến triển.

Từ lâu, các thuốc ức chế hệ renin - angiotensin đã chứng minh được vai trò trong điều trị và trì hoãn tiến triển CKD có kèm protein niệu. Tuy nhiên, do nhóm bệnh nhân bị CKD tiến triển ít được đưa vào các thử nghiệm thuốc RASi để đánh giá an toàn-hiệu quả nên vẫn còn quan ngại các tác dụng phụ như tăng kali máu, hạ huyết áp sẽ làm nặng mức độ bệnh. Đây là lí do mà các bác sĩ có xu hướng giảm liều hoặc dừng kê RASi khi CKD bắt đầu tiến triển (Weir và cs, 2018).

BS. Edouard L.Fu, nghiên cứu sinh dịch tễ học lâm sàng tại Trung tâm y tế Đại học Leiden, Hà Lan và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu quan sát trong 10 năm (2007-2017) trên 10.254 bệnh nhân có CKD tiến triển (mức lọc cầu thận ước tính, eGFR < 30 mL/phút/1.73m2) có sử dụng RASi tại Thụy Điển.

Kết quả cho thấy sau 5 năm theo dõi, bệnh nhân duy trì sử dụng RASi có tỉ lệ tử vong thấp hơn 13.6%, tỉ lệ gặp biến cố tim mạch nghiêm trọng (MACE, bao gồm tử vong, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não) thấp hơn 11.9% nhưng tỉ lệ cần điều trị thay thế (lọc máu, ghép thận) cao hơn 8.2% so với những bệnh nhân dừng dùng RASi. Phân tích cho bệnh nhân có albumin niệu, tăng kali máu, có mức giảm eGFR lần đầu 20-30 hoặc < 20 mL/phút/1.73m2 cũng cho kết quả tương tự.

Các kết quả trên ủng hộ những hướng dẫn điều trị hiện hành của KDIGO và nghiên cứu của Bhandari và cs, 2019 là cần cá thể hóa điều trị và cân nhắc lợi ích-nguy cơ chứ không nên dừng RASi cho mọi trường hợp có CKD tiến triển.

DS. Nguyễn Thanh Bình

(Medscape tháng 1/2021)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây