TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀ

https://trungtamytethachha.vn


Hội chứng rung lắc ở trẻ nhỏ: Xin đừng lắc con

Vừa được một đồng nghiệp gửi một video về vụ Yoga của một chị dành cho em bé (không biết phải là nhân viên y tế không hay chỉ đơn thuần là người mặc Blouse trắng và đeo khẩu trang) xoay đứa nhỏ mà mình phải la lên "Trời ơi, cái gì vậy" giữa hội nghị. Phải viết ra điều này để bố/mẹ lưu tâm. Năn nỉ luôn đó, đừng áp dụng tại nhà nha.
 

Hình ảnh cắt từ clip đang được lan truyền trên mạng xã hội.

 
Trong Y khoa có thuật ngữ Shaken Baby Syndrome (SBS) - tạm dịch là Hội chứng tổn thương MẮT, CỘT SỐNG CỔ và NÃO của em bé do quá trình rung lắc trẻ con, đặc biệt là trẻ sơ sinh < 12 tháng tuổi.

Những hành động mà bạn nghĩ vô hại như lắc em bé lúc nựng bé lại là nguyên nhân gây ra tử vong hơn 2000 bé hàng năm tại Mỹ vì lý do xuất huyết não và tổn thương não không hồi phục.
 

 
[1] Ở trẻ em lúc mới sinh, do tốc độ phát triển xương sọ nhanh hơn bộ não nên khi mới sinh, não và xương xọ có khoảng trống. Vài năm sau, khi lớn lên, tốc độ phát triển não nhanh hơn sẽ bắt kịp và khớp xương sọ. Hiểu nôm na là bộ não là đôi chân nhỏ còn xương sọ là đôi giày to.

Chính vì thế, khi rung lắc như thế, phần não bé sẽ bị tổn thương nặng nề gây xuất huyết não, xuất huyết khoang não thất... gây hôn mê sâu, liệt người và thậm chí tử vong.

[2] Bên cạnh đó, việc rung lắc bé khiến cổ bé bị tổn thương và có thể gãy cổ. Đơn giản một điều là nếu gãy ngay cổ, từ cổ trở xuống của con bạn sẽ LIỆT VĨNH VIỄN.

Sau 3 - 6 tháng trẻ mới có thể tự nâng đầu lên và trong thời gian này, nếu bạn bế bé, hãy đặt tay dọc theo cột sống con để nâng đỡ toàn bộ đầu và cột sống của con. Vậy mà trong clip thấy chị này quay nó vòng vòng, cổ ngửa hẳn ra sau giống như khi các bạn đi tàu lượn siêu tốc vậy. Nói tới đây là không thể giữ bình tĩnh được rồi

[3] Nắm 2 chân đứa nhỏ như vậy bạn có tin có sẽ gãy chân, gãy xương đùi và trật khớp háng không? Con nít khi ngủ bạn thấy 2 chân bé có khả năng banh rộng sang 2 bên là vì xương đùi chưa phát triển đủ nên chưa dính vào xương chậu (xem hình). Vậy mà cầm 2 chân đứa bé trút xuống như vậy rồi còn quay thêm vài vòng...
 

Các biến chứng gây ra do rung lắc trẻ được ghi nhận trên y văn



Trật khớp háng ở con. Như bạn thấy đó. Ở bên còn lại, xương đùi chưa thực sự gắn vào xương chậu

*****

Tin tôi đi, 99% chị này chả phải nhân viên Y tế hay là người trong nghề. Vì hơn ai hết, chúng tôi biết rõ việc này hệ quả nó đáng sợ như thế nào.

30% đứa bé bị hội chứng này tử vong tại Mỹ. Nghĩa là 3 đứa thì 1 đứa bé tử vong do tổn thuương não.

Và 62-96% số trẻ bị rung lắc từ nhỏ có thể có biến chứng muộn về sau. Nghĩa là nếu bạn rung lắc con và bạn thấy con khỏe không có nghĩa là con thực sự khỏe, có thể sau này bé sẽ bị biến chứng muộn .

*****

LỜI KHUYÊN TỪ CDC

1. "Đừng bao giờ và đừng cho ai lắc con"

2. Cung cấp thông tin cho các bà mẹ khác đặc biệt có con lần đầu hay không được tiếp cận thông tin từ bác sỹ y khoa. Hiểu nôm na là ai đọc được thì gọi người khác vào để họ đọc và giúp họ tránh tự làm tổn thuương con họ.

3. Nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu nghi ngờ con bạn có bất kỳ bất thuường gì sau quá trình rung lắc của bạn hay của người khác lên con bạn.

4. Nếu có gì nghi ngờ, bố/mẹ nên cho bé nhập viện để được khám và kiểm tra ngay.

*****

1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2680569/
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2721176/
3. https://emedicine.medscape.com/article/1176849-overview
 

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang

Nguồn tin: Bác sỹ nội trú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây