TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀ

https://trungtamytethachha.vn


Cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin trước khi có dịch

Không chỉ riêng bệnh bạch hầu, mà nhiều căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua việc tiêm chủng vắc-xin. Cần chủ động tiêm chủng đúng, đủ ngay hôm nay, thay vì thụ động đối phó khi phát sinh dịch bệnh.

Sau những ngày căng thẳng vì dịch COVID-19, khi cuộc sống đang dần trở lại với nhịp sống thường ngày, thì sự xuất hiện dịch bạch bầu ở một số địa phương, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trở lại của những căn bệnh vốn ít khi xuất hiện trong những năm vừa qua.

Căn bệnh cũ quay lại

Tại nước ta, bệnh bạch hầu không phải là một căn bệnh mới. Trong năm 2019, ở khu vực miền Trung đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu tại một số huyện trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam (huyện Duy Xuyên), Quảng Ngãi (huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Tư Nghĩa) với 31 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong. Ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi với 26 ca mắc, 2 ca tử vong tại 10/14 xã trên địa bàn huyện.

Đặc điểm chung phổ biến của các ca bệnh bạch hầu được ghi nhận có tiền sử không tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Chỉ có 8,3% (3/36) trường hợp được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin chứa thành phần bạch hầu trước đó.

Ngoài bạch hầu, sởi cũng là một căn bệnh có sự quay lại khi tỷ lệ tiêm chủng căn bệnh này có dấu hiệu suy giảm do nhiều nguyên nhân. Từ những tháng cuối năm của năm 2018 tại một số tỉnh miền Bắc và miền Nam và lan rộng ra toàn quốc vào năm 2019. Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận trên 35.000 trường hợp sốt phát ban (SPB) nghi sởi, 03 trường hợp tử vong (Hòa Bình, Sơn La và Hà Nam);  có gần 10.000  ca sởi xác định bằng xét nghiệm. Bệnh sởi xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có những tỉnh/thành có số ca SPB, nghi sởi cao như Hà Nội, TP.HCM và Đắk Lắk… Điều đáng nói là có khoảng 90% các trường hợp mắc sởi là do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Theo các chuyên gia, không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể mắc sởi; do chưa mắc sởi bao giờ hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin trước khi có dịch

Tiêm ngừa vắc- xin là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Với nhiều lý do khác nhau từ trào lưu chống vắc-xin  một thời trong các cộng đồng mạng xã hội; sự lo ngại những tác dụng không mong muốn, độ an toàn của vắc-xin; sự khó khăn vì khoảng cách địa lý, vùng sâu vùng xa không thể tiếp cận dịch vụ tiêm chủng. Cả những ngày giãn cách xã hội, khiến hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn đã làm giảm độ phủ của tiêm chủng. Đưa đến nguy cơ tăng cao các ca nhiễm bệnh và có xu hướng bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời, quyết liệt.

Đưa nhau đi tiêm – khi dịch đến

Với tâm lý hoang mang lo sợ, khi có bất cứ thông tin về dịch bệnh nào vừa xuất hiện, các bậc phụ huynh lại cuống cuống đưa con mình để các bệnh viện, cơ sở tiêm chủng để  tiêm chủng nhằm phòng bệnh cho trẻ. Đây là một hành vi mang tính chủ quan, nhất thời của một bộ phận không nhỏ người dân, chứ không hề dựa trên những thông tin khoa học được khuyến cáo.

Chúng ta cần hiểu, tiêm chủng là một động thái phòng ngừa, giúp ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh chứ không phải một biện pháp điều trị, nên sẽ không thể có hiệu quả nhanh chóng và tức thời. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: “Người dân nên tuân thủ theo đúng lịch tiêm phòng, nếu có điều kiện có thể tiến hành chích nhắc lại, cũng như căn cứ theo tình hình dịch tễ địa phương để lựa chọn những loại vắc- xin cần tiêm ngừa, chứ không nên vì tâm lý mà kéo nhau đi. Việc kéo nhau đi tiêm ngừa là không nên; vì dễ dẫn đến tập trung đông người tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; nguồn vắc xin có sẵn tại các trung tâm không đảm bảo đủ số lượng, phải chờ đợi và đôi khi không tiêm được do hết thuốc; đồng thời việc chủng ngừa cũng cần có thời gian để cơ thể phát động miễn dịch, như trường hợp bạch hầu thì cần khoảng 10 ngày để có miễn dịch”.

“Chìa khóa vàng” kiểm soát dịch bệnh

Tại Việt Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Nhờ những thành tựu của chương trình TCMR, 11.000 xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng; hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm, với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em; đã làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979; loại bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt từ năm 2000; bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Chương trình TCMR đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi… đã giảm một cách ngoạn mục so với thời kỳ trước tiêm chủng.

Riêng với trường hợp bạch hầu, chương trình TCMR đã được triển khai, đạt tỷ lệ độ phủ cao (trên 90%), tỷ lệ ca bệnh phát sinh ở mức dưới 0.01 ca bệnh/ 100.000 dân (thấp hơn hàng nghìn lần so với trước khi triển khai chương trình). Do chưa hoàn toàn được loại trừ khỏi nước ta, nên người dân vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu chưa được chủng ngừa và có sự tiếp xúc với mầm bệnh. Trong những năm gần đây, các ca bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc xuất hiện ở một số đối tượng người lớn không được tiêm ngừa nhắc lại phù hợp.

Cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin trước khi có dịch

Rửa tay thường xuyên, đúng cách là một trong nhựng biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả

Chỉ tiêm chủng mở rộng – liệu có an toàn?

TCMR là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh, nhưng người dân cũng không nên lơ là chủ quan bởi chương trình TCMR chủ yếu tập trung ở việc bảo vệ nhóm trẻ em, nên việc duy trì miễn dịch được đảm bảo cho các trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa được chích đúng, chích đủ theo lịch tiêm chủng. Hiệu quả miễn dịch này có thể kéo dài khả năng bảo vệ cho các trẻ trong một giai đoạn nhất định, sau đó cần tiến hành tiêm nhắc lại nhằm nâng cao kháng thể bảo vệ, kéo dài trí nhớ miễn dịch.

“Trẻ em khi được chích đúng theo lịch tiêm chủng mở rộng với mũi bạch hầu thứ 4 là lúc 18 tháng tuổi thì hiệu quả miễn dịch có thể duy trì đến khi trẻ được 5 - 6 tuổi. Sau giai đoạn này, hiệu quả miễn dịch suy giảm và cần chích nhắc lại. Theo tính toán của các nhà khoa học và các tổ chức y tế, hiệu quả miễn dịch có thể kéo dài 10 năm cho mỗi lần tiêm nhắc lại nếu đảm bảo đúng theo lịch chủng ngừa lúc nhỏ”, BS. Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Cũng theo BS. Khanh: “Ngoài việc tiêm chủng, các biện pháp phòng vệ chủ động như thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng, các dung dịch rửa tay diệt khuẩn; đeo khẩu trang thường xuyên, đúng cách cũng là những biện pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân trước dịch bạch hầu nói riêng và nhiều căn bệnh khác. Trong những ngày qua, các hình ảnh phòng vệ bệnh bạch hầu mà người dân áp dụng như đeo tấm che giọt bắn là không thực sự cần thiết; bởi với những khu vực chưa có dịch, yếu tố nguy cơ thấp, thì việc đeo khẩu trang đúng cách cũng đã đảm bảo hiệu quả phòng vệ”.

Nguồn tin: Báo SKĐS

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây