TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN THẠCH HÀ

https://trungtamytethachha.vn


Bí quyết giữ gìn sức khỏe ngày giao mùa

Những ngày chuyển mùa, thời tiết ở Hà Tĩnh trở nên “ẩm ương” khiến người già, trẻ nhỏ dễ bị các vi khuẩn, virus gây bệnh tấn công. Việc chăm sóc gia đình của các ông bố, bà mẹ theo đó cũng trở nên vất vả hơn.
Các bậc phụ huynh cần chú ý giữ ấm cho con nhỏ mỗi sáng sớm hay đêm muộn

Các bậc phụ huynh cần chú ý giữ ấm cho con nhỏ mỗi sáng sớm hay đêm muộn

Vào những ngày giao mùa, nắng mưa bất chợt tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Là mẹ của cậu con trai chỉ mới 3 tuổi, chị Trần Thị Anh (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) không khỏi lo lắng trong những ngày này. Chị Anh chia sẻ: “Cháu nhà tôi sinh thiếu tháng nên hệ miễn dịch cũng kém hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tới mùa này là tôi lo lắm, cháu dễ bị ho, sốt. Con ốm, bố mẹ chăm sóc rất vất vả, lại vừa thương, xót con”.

Để có thể bảo vệ con tránh những dịch bệnh khó đoán, chị Anh tập trung bồi bổ dưỡng chất cho con. Theo chị, hoa quả là nguồn cung cấp nhiều vitamin giúp tăng sức đề kháng, vì vậy, ngoài những bữa chính, chị dành thêm thời gian tỉa gọt hoa quả thành những hình thù hấp dẫn để con ăn nhiều hơn. Bên cạnh đó, giữ ấm cho con mỗi sáng sớm hay đêm muộn, đặc biệt là vùng cổ, mũi cũng là giải pháp mà chị Anh lựa chọn.

Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm của mình, chị Trần Thị Anh cho biết: “Các bé ở tuổi này rất hiếu động, nhiều lúc mải vui chơi khiến áo quần ướt đẫm mồ hôi. Chính điều này làm các cháu dễ bị nhiễm lạnh dẫn tới cảm, sốt. Các bố, mẹ cần lưu ý để lau mồ hôi, thay quần áo mới cho con”.

Thời tiết thay đổi là thời điểm các căn bệnh như cúm, viêm phổi, viêm phế quản, sởi, quai bị, rubella dễ bùng phát (Ảnh minh họa: internet)

Không có con nhỏ trong gia đình, tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Oanh (thị trấn Nghèn, Can Lộc) không hề chủ quan trong những ngày giao mùa. Với chị, điều lo ngại chính là dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.

“Vào mùa này, nhà tôi xuất hiện rất nhiều muỗi, xung quanh lại lắm cây cối. Xem thông tin trên báo, đài thấy tại địa bàn đã có nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết nên tôi cũng đã chủ động phòng tránh nhưng không khỏi lo lắng” - chị Oanh cho biết.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chị Oanh chủ động diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vườn tược khô ráo, thông thoáng… Đồng thời, cùng các thành viên trong gia đình giữ thói quen lành mạnh, tốt cho sức khỏe như: Vệ sinh cá nhân tốt, ngủ đúng giờ, đủ giấc, uống nhiều nước… giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cả nhà khỏi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.

Vào những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi là thời điểm các căn bệnh như cúm, viêm phổi, viêm phế quản, sởi, quai bị, rubella dễ bùng phát. Đối tượng dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công là người có sức đề kháng kém như người già, người lớn đã mắc các bệnh mạn tính và đặc biệt là trẻ em.

Thạc sỹ - bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để có thể bảo vệ sức khỏe tốt trong những ngày giao mùa, đối với trẻ em, điều quan trọng nhất là phải thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ đối với các bệnh đã có vắc-xin như sởi, quai bị, ho gà, cúm, thủy đậu…

Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người cần chú ý giữ ấm, đặc biệt là khi ra ngoài trời, lúc sáng sớm và đêm khuya, đảm bảo vệ sinh hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng, tránh cho trẻ em tiếp xúc với người đang mắc bệnh dễ lây nhiễm. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho các thành viên trong gia đình, không dùng đá lạnh, ăn nhiều hoa quả. Trong trường hợp mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị”.

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây