Các hoạt động nổi bật trong tuần lễ tập trung hướng dẫn, giám sát thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm lứa tuổi vị thành niên và thành niên nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng đảm bảo thể lực và sức khỏe tốt cho người dân trong giai đoạn tiền hôn nhân và hôn nhân, qua đó giảm thiểu nguy cơ suy dinh dưỡng bão thai cả 2 thể nhẹ cân và thấp còi. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng và xã hội ủng hộ, quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng hay xảy ra thiên tai, bão lũ gia đình cần ưu tiên cho bữa ăn của bà mẹ và trẻ em được no đủ, an toàn, đa dạng nguồn thực phẩm và giàu dinh dưỡng. Nâng cao kiến thức của người dân về chăm sóc dinh dưỡng sớm, dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm; ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý theo nhu cầu; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường tiêu thụ rau, củ, quả và thường xuyên vận động thể lực để phòng chống các bệnh không lây nhiễm, thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống người Việt Nam. Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và các ban, ngành đoàn thể có liên quan tổ chức giáo dục, tuyên truyền, vận động thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ gái vị thành niên và thành niên, phụ nữ trước và trong khi có thai, các gia đình sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, đa dạng hóa các loại thực phẩm, khuyến khích sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Thông điệp truyền thông về Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10 năm 2018.
1. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.
2. Để thai nhi phát triển tốt, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, khám thai ít nhất 3 lần và uống viên sắt/acid folic theo hướng dẫn.
3. Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
4. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần đa dạng các nguồn thực phẩm, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, D.
5. Trẻ cần ăn uống lành mạnh, hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.
6. Trẻ vị thành niên và thành niên cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu, uống viên sắt hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Chăm sóc dinh dưỡng sớm để cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ
và hạn chế các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành.
|