Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm trên gia cầm
Ngày 23/9, tại hộ ông Trần Văn Nam (tổ dân phố 9, phường Đại Nài) đã xảy ra hiện tượng 100 con vịt/tổng đàn 350 con bị chết. Sau khi kiểm tra, xét thấy các triệu chứng rất điển hình của cúm gia cầm, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra. Kết quả là dương tính với vi-rút cúm A/H5N6.
Ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc trung tâm cho biết: “Sau khi có kết quả dương tính với vi-rút cúm gia cầm, trung tâm đã phối hợp với địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm theo đúng quy trình phòng chống dịch, đồng thời, tiến hành tiêu độc khử trùng tại khu vực dịch và vùng lân cận. Đến nay, chưa xuất hiện ổ dịch mới”.
Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, TP Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn. Theo kế hoạch, từ ngày 10/9 - 30/10, chiến dịch này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Hùng, mặc dù đã rất nỗ lực trong chiến dịch tiêm phòng nhưng nguy cơ tiềm ẩn, lây lan và bùng phát dịch bệnh rất cao. Nguyên nhân là do tổng đàn gia cầm trong các hộ chăn nuôi luôn thay đổi; chăn nuôi gia cầm ở thành phố chủ yếu nhỏ lẻ nên các hộ lơ là, không chủ động trong tiêm phòng. Mặt khác, TP Hà Tĩnh là trung tâm giao thương, việc không tuân thủ quy định trong buôn bán, giết mổ gia cầm còn khá phổ biến.
Như vậy, trong năm 2017, trên địa bàn Hà Tĩnh đã ghi nhận 2 ổ dịch cúm gia cầm. Trước đó, tháng 3/2017, ngành chức năng đã phát hiện cúm gia cầm trên gà và ngan của một hộ dân ở xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh).
Ngăn chặn dịch lây sang người
Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân nào bị nhiễm cúm A/H5N6. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, một bệnh nhân 49 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên đã nhiễm cúm A/H5N6 và tử vong vào tháng 4/2014. Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên và duy nhất trên thế giới nhiễm cúm A/H5N6 được ghi nhận từ trước tới nay.
Gà sống, đã giết mổ được bày bán ngay lề đường Xuân Diệu, TP. Hà Tĩnh
Điều đáng lo ngại là kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gene các mẫu vi-rút cúm A/H5N6 phát hiện tại Hà Tĩnh cho thấy tương đồng đến 99% với chủng vi-rút cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Trung Quốc. “Mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương cúm A/H5N1. Sự trở lại của cúm A/H5N1, việc tồn tại của cúm A/H1N1, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và sự xuất hiện của chủng mới cúm A/H5N6 thực sự đáng lo ngại vì những biến đổi khó lường của vi-rút cúm. Chúng đặc biệt nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những vi-rút mới, trong khi đặc tính của vi-rút cúm là luôn biến đổi để thích nghi” - GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế lo ngại.
Các chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý với chủng vi-rút cúm A/H7N9 gây dịch tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khiến hàng trăm người mắc và tử vong, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nhưng nguy cơ cũng rất lớn, nhất là khi Việt Nam đã phát hiện vi-rút cúm A/H5N6 trên gia cầm tương đồng với chủng vi-rút ở Trung Quốc. Rất có thể vi-rút cúm A/H5N6 xâm nhập theo các đoàn xe chở gia cầm lậu. Đồng thời, dịch cúm đã có hiện tượng liên tục biến đổi gene, xuất hiện các chủng cúm mới.
Hà Tĩnh là một trong 2 địa phương ở nước ta (cùng với Lạng Sơn) xuất hiện cúm A/H5N6. Mặc dù chưa có bằng chứng chủng vi-rút này lây sang người nhưng theo các chuyên gia y tế thì nguy cơ có thể và rất nguy hiểm. Để chủ động phòng chống bệnh cúm từ gia cầm lây sang người, người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế bằng cách thực hiện các biện pháp: Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; sử dụng đồ bảo hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc với gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp...
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn