Khám và điều trị người nhiễm COVID-19 từ cơ sở

Thứ hai - 17/02/2020 22:08
Lo lắng về dịch bệnh do COVID-19 gây ra, số lượng người dân từ các địa phương lên khám trực tiếp tại một số bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gia tăng. Việc tập trung khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến Trung ương sẽ tăng khả năng lây lan trong cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã phân tuyến chỉ đạo ở các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh. Cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các tuyến huyện - tuyến cơ sở đầu tiên và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Tại đây, Bộ Y tế đã bố trí đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đơn vị địa phương khi gặp khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh chẩn đoán cho người dân. Bộ Y tế cũng đã công bố hàng loạt bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế tuyến huyện có khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 (chi tiết danh sách các cơ sở khám chữa bệnh này mời bạn đọc xem trên báo Sức khoẻ&Đời sống điện tử: www.suckhoedoisong.vn).

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến y tế cơ sở cho nên việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương.

Về vấn đề này, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Khám và điều trị người nhiễm COVID-19 từ cơ sở

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại buổi tập huấn cho cán bộ ngành y tế Vĩnh Phúc về công tác chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh COVID-19.

Quan điểm hiện nay là cách ly toàn bộ khu vực bệnh nhân ở Hà Nội và tuyến cuối về BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) với công suất hiện nay là 500 giường bệnh.

Những trường hợp có bệnh cảnh lâm sàng nhẹ hơn như tại Vĩnh Phúc được theo dõi tại tuyến huyện. Đơn cử như ở Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hiện đang điều trị cho các bệnh nhân dương tính, trong đó có cả cháu bé 3 tháng tuổi với sự hỗ trợ của tuyến trên nên chưa cần thiết phải chuyển lên BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc và các tuyến cao hơn.

“Nếu tình trạng nặng hơn - lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn nữa mới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các địa phương khác cũng thế nhằm hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Thực tế công tác điều trị bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở nước ta cho thấy, tại BVĐK tỉnh Thanh Hoá hay BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hoà cũng đã điều trị thành công cho bệnh nhân dương tính với COVID-19. Và các bệnh nhân này đều đã được ra viện.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cũng khẳng định, dịch bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây truyền từ người sang người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn bây giờ là nhiệm vụ hàng đầu để không lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh - người bệnh; giữa người bệnh - thầy thuốc; giữa người bệnh, thầy thuốc - cộng đồng).

Trong số các bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Việt Nam hiện có đủ nam - nữ, đủ lứa tuổi: Người cao tuổi có nhiều bệnh nền (bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy), trung niên, thanh niên, vị thành niên, trẻ nhỏ... đều có, có cả người có đủ triệu chứng lâm sàng và cả có người dương tính với COVID-19 nhưng không có biểu hiện sốt, ho, khó thở... Hiện 7 bệnh nhân trong số đó đã được ra viện, thông tin từ các cơ sở điều trị cho thấy, do tuân thủ quy trình cách ly, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn nên chưa có hiện tượng lây nhiễm chéo.

Thủ tướng biểu dương cả hệ thống vào cuộc quyết liệt, chống dịch hiệu quả
Tại cuộc họp sáng 12/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, các y bác sĩ, ý thức tham gia phòng chống dịch với trách nhiệm rất cao của mỗi người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu là phải quyết tâm ngăn chặn bằng được dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, cố gắng không để có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thống nhất cho rằng, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, song đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm bệnh của nước ta ít, việc điều trị cũng rất khả quan...

Các đại biểu cho rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ngăn ngừa dịch bệnh với ý thức rất cao của mỗi người dân, chúng ta đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm; tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; hạn chế tập trung ở những nơi đông người... Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương tiếp tục quyết liệt, làm tốt công tác sàng lọc, cách ly y tế bởi đây là “thời kỳ vàng” để tổ chức thực hiện cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người thuộc diện nghi ngờ phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện thật tốt công tác cách ly bởi đối với mỗi người, thực hiện tốt công tác cách ly không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình mà còn là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly trong “thời kỳ vàng” sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Bộ Y tế đồng hành, hỗ trợ Vĩnh Phúc phòng chống dịch bệnh COVID-19

Sáng 13/2, Bộ Y tế cho biết là địa phương ghi nhận số trường hợp mắc cao nhất cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do COVID-19.

Bộ Y tế đã hỗ trợ vật tư, hóa chất phòng chống dịch và cử Tổ công tác thường trực 24/7 phòng chống dịch hỗ trợ địa phương, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương, ngành y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế với chủ trương đáp ứng ở mức độ cao nhất, khống chế nhanh và hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh tới an sinh xã hội của địa phương.

Bộ Y tế cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm phòng chống dịch bệnh triệt để, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Liên quan đến việc hỗ trợ Vĩnh Phúc trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do COVID-19 gây ra đã thống nhất thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Ban Chỉ đạo Quốc gia, xuống cùng Ban Chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc để chỉ đạo các biện pháp rất cụ thể về công tác khoanh vùng, dập dịch COVID-19 và công tác thu dung, điều trị tại Vĩnh Phúc.

Tổ Công tác đặc biệt và 2 đội công tác sẽ có mặt ở Vĩnh Phúc từ ngày 13/2, trực làm việc ở đây 24/24h, đến khi nào tình hình dịch COVID-19 ở Vĩnh Phúc ổn định mới rút về.

Theo đó, 2 đội công tác gồm: Đội thứ nhất giúp Vĩnh Phúc hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch đảm bảo yếu tố môi trường; đội thứ 2 giúp công tác điều trị. Hiện đối với Vĩnh Phúc, ưu tiên nhất là phải làm tốt công tác khoanh vùng, dập dịch.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:58 | lượt tải:38

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:72 | lượt tải:56

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:72 | lượt tải:56

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:138 | lượt tải:75

1262/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá gói tư vấn đấu thầu thuốc, dược liệu, vị thuốc YHCT năm 2025-2026

Lượt xem:168 | lượt tải:61
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay7,157
  • Tháng hiện tại94,052
  • Tổng lượt truy cập11,802,170
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây