Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Bệnh nhân đầu tiên
Bà Jennie Keefe 63 tuổi là bệnh nhân hở van hai lá đầu tiên của Anh được thực hiện phương pháp này. Sau điều trị, bà thấy sức khỏe tốt hơn nhiều, không còn khó thở hay tim đập nhanh. Còn theo đánh giá của bác sĩ điều trị, bà hồi phục khá nhanh và có thể xuất viện sau 4-5 ngày thực hiện thủ thuật thay vì 10-15 ngày như trước đây.
Thiết bị harpoon “vá” tim không cần mở ngực.
Bốn năm trước, em gái của bà Jennie bị đột quỵ, được chẩn đoán với lỗ hở ở tim. Điều này nhắc nhở bà cần kiểm tra sức khỏe mặc dù bà không có triệu chứng nào về tim. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện một van hai lá của bà bị hở do lá van và dây hỗ trợ chúng suy yếu khiến máu bị phụt ngược trở lại tâm thất gây thiếu máu đi nuôi cơ thể. Bà được chỉ định dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, bà cảm thấy rất mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ đến 10 giờ liên tục, cảm giác đánh trống ngực, khó thở tăng nhiều. Thậm chí bà còn không theo kịp đồng nghiệp trong một chuyến tham quan vì mệt mỏi và khó thở. Do vậy, ngay từ đầu năm 2015, bà đã thường xuyên được thăm khám bởi BS. Neil Moat - một chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Hoàng gia Brompton ở London. BS. Moat cho biết, bà cần phải phẫu thuật để sửa chữa van tim. Nhưng bà lo lắng nếu phải thay hay sửa chữa van tim thì cần phải phẫu thuật tim hở và thời gian phục hồi lên đến 3 tháng, nên bà chần chừ. Tuy nhiên, theo thời gian, bệnh hở van hai lá của bà ngày càng trầm trọng, bà vật lộn với tình trạng khó thở và tim đập nhanh, bà bắt đầu làm việc tại nhà và hạn chế ra ngoài trừ khi có công việc bắt buộc. Thế rồi, đầu năm 2016, bà nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo các bác sĩ đã thử nghiệm một thiết bị mới để sửa chữa van mà không cần phẫu thuật tim hở. Với tình trạng của mình, Jennie đồng ý thực hiện phương pháp mới và bà đã thành công.
“Súng” vá tim
Với phương pháp mổ hở, các bác sĩ phải tạo ra một đường rạch đủ lớn ở ngực, cắt qua xương ức và lồng ngực nhằm chèn công cụ phẫu thuật để thực hiện sửa chữa bằng tay. Trong quá trình này, người bệnh phải được ngưng tim, thực hiện tuần hoàn ngoài cơ thể. Nhưng ngưng tim có thể làm tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể, gây cục máu đông và đột quỵ. Nhưng với phương pháp mới sử dụng thiết bị có tên harpoon có thể tránh những rủi ro này vì người bệnh không cần phải cắt mở ngực.Thiết bị harpoon có hình dáng giống như một khẩu súng được thiết kế với một ống dài 15cm (rộng vài mm) có gắn cây kim và kèm theo đó là các dây goretex. Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ cần có một máy quét cho hình ảnh chi tiết van tim cũng như đánh giá chính xác nơi để chèn các dây trong van. Chiều dài hay số lượng dây cần dùng tùy thuộc vào tình trạng của van tim. Tiếp đó, bác sĩ sẽ rạch một đường 3-4mm dưới vú trái và đưa thiết bị harpoon vào cơ thể dưới hướng dẫn của những hình ảnh trên máy quét. Khi vào đúng vị trí, các bác sĩ sẽ bấm nút trên thiết bị harpoon để giải phóng dây goretex. Khi đó, đầu kia của dây sẽ được kéo tự động thông qua vách tim cho đến hết chiều dài của dây và thắt nút.
Hình ảnh van tim bệnh thường (trái) và van tim bị hở (phải).
Ưu điểm vượt trội
Van hai lá nằm ở phần tim bên trái ngăn cách giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Van có nhiệm vụ như một cánh cửa giúp máu chỉ chảy theo một chiều nhất định từ nhĩ xuống thất. Máu giàu oxy và dưỡng chất sẽ từ thất trái theo động mạch chủ đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Van hai lá có cấu trúc rất phức tạp nên khi bị hở, ưu tiên hàng đầu là sửa chữa van thay vì thay van nhân tạo. Có nhiều phương pháp để sửa chữa van nhưng hầu hết các biện pháp này vẫn được thực hiện phẫu thuật mở với đường rạch lớn. Một trong những ưu điểm khi dùng thiết bị harpoon là được thực hiện trên một trái tim đang đập mà không cần thực hiện tuần hoàn ngoài cơ thể cũng như phải đối mặt với những nguy cơ đông máu hay đột quỵ. Thời gian phẫu thuật được rút ngắn, chỉ còn 1-2 giờ so với 3-5 giờ với phẫu thuật thông thường đồng thời bệnh nhân có xu hướng phục hồi và trở lại hoạt động bình thường nhanh hơn. Ngoài ra, do đường rạch nhỏ nên người bệnh không phải lo lắng về sẹo, nhất là ở người có cơ địa sẹo lồi hay sẹo quá phát.
Tác giả: Lê Mỹ Giang
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống & Dailymail
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn