Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Sở Nội vụ, Sở Y tế Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình trung tâm y tế cấp huyện để có nhìn nhận khách quan, toàn diện trước khi lựa chọn được mô hình phù hợp để xây dựng đề án.
Từ tháng 5/2020, Hà Tĩnh tiến hành thí điểm thành lập các trung tâm y tế cấp huyện. Theo đó, đã thành lập 6 trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại BVĐK, trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương: Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang, thị xã Hồng Lĩnh; bổ sung chức năng, nhiệm vụ khám chữa bệnh, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh; thành lập 6 trung tâm y tế cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại trung tâm y tế dự phòng và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Khê, TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh.
Như vậy, hiện trên địa bàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình trung tâm y tế bao gồm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng; 6/13 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình trung tâm y tế bao gồm nhiệm vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình và y tế dự phòng. Các trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích, chỉ rõ những ưu điểm của mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng, nhất là tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước, chỉ đạo về chuyên môn trong các lĩnh vực thuộc ngành y tế; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được tập trung về một mối nên phát huy được công suất sử dụng, tránh lãng phí, giảm nhu cầu đầu tư so với trước; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.
Đồng thời, giảm được các đầu mối, giải quyết được sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ cấp huyện đến cấp xã; thực hiện tốt việc chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ trực tiếp trạm y tế xã về chuyên môn khám chữa bệnh, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế của trạm y tế. Đặc biệt, là thuận lợi trong việc phối hợp thực hiện công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.
Bên cạnh ưu điểm, các đại biểu cũng đã phân tích một số hạn chế, vướng mắc trong cơ chế tài chính, điều phối nhân lực của mô hình.
Trên cơ sở những ưu điểm, hạn chế, tồn tại của mô hình trung tâm y tế cấp huyện hiện nay và qua học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương, các đại biểu đề xuất thành lập trung tâm y tế đa chức năng nhằm tạo sự thống nhất trong việc tổ chức mô hình trung tâm y tế cấp huyện và nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, qua thực tiễn hoạt động và các ý kiến đánh giá của đại biểu cho thấy, mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng trên địa bàn thời gian qua hoạt động hiệu quả, tinh giản được đầu mối, tiết kiệm được nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng từ tuyến huyện đến tuyến cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ và Sở Y tế nhanh chóng đề nghị các trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thí điểm báo cáo chi tiết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình. Đồng thời, tiếp tục khảo sát thực tế tại những đơn vị chưa thực hiện sáp nhập để nắm bắt toàn diện kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn nhằm rút kinh nghiệm trước khi lựa chọn được mô hình phù hợp phục vụ xây dựng đề án.