Xử trí và phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nóng

Thứ tư - 11/07/2018 03:14
Nắng nóng oi bức của mùa hè khiến cho thực phẩm không bảo quản được lâu. Đây là thời điểm và điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn “tấn công”.

Các thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều đạm như: thịt, cá, hải sản, sữa, trứng... nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao.

Một thực tế đáng lo ngại nữa là nguy cơ gây ngộ độc chủ yếu từ những nhà hàng, quán ăn sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là những người trực tiếp chế biến thức ăn nhưng lại thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thức ăn đường phố nếu không có tủ kính che đậy cẩn thận thì khả năng nhiễm bụi, khí thải, côn trùng truyền bệnh là điều khó tránh khỏi và nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.

Rửa và bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng ngộ độc thực phẩm.

Rửa và bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng ngộ độc thực phẩm.

Dấu hiệu nhận biết

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra sau khi ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm độc. Nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm khuẩn (từ vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, nấm mốc...); bị nhiễm các chất hóa học (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia...); bị biến chất khi để quá lâu hoặc bản thân thực phẩm có chứa chất độc (cá nóc, gan cóc, nấm độc…).

Ngộ độc cấp tính: Triệu chứng xảy ra sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm từ vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Có các biểu hiện: đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải các thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay các loại hóa chất với lượng lớn.

Ngộ độc mạn tính: thường không có các dấu hiệu rõ ràng sau khi ăn phải các thức ăn bị ô nhiễm, nhưng chất độc có trong thức ăn này sẽ tích lũy ở những bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa các chất, rối loạn hấp thụ gây nên suy nhược, mệt mỏi kéo dài hay các bệnh mạn tính khác, cũng có khi các chất độc gây biến đổi các tế bào và gây ung thư. Ngộ độc mạn tính thường do ăn phải các thức ăn ô nhiễm các chất hóa học liên tục trong thời gian dài.

Cách sơ cấp cứu đúng

Các trường hợp ngộ độc thực phẩm nên được tiến hành sơ cứu sớm, ngay sau khi thấy các biểu hiện. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể gây nôn để tống thức ăn bị nhiễm độc ra ngoài bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước và móc họng. Sau khi gây nôn thì cho người bệnh nằm nghỉ, có thể uống nước điện giải để bù lại lượng nước đã mất cho bệnh nhân.

Trường hợp nặng cần đi khám bác sĩ để điều trị. Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc và chuyển bệnh nhân lên bệnh viện gần nhất. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần cấp cứu tức thời bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Sau đó, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử lý tiếp.

Phòng tránh hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Lựa chọn thực phẩm đáng tin cậy bằng cách khi mua thịt lợn hoặc thịt bò, chị em nên chọn khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi, ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính, màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu. Đặc biệt nên chọn ở các cửa hàng có uy tín và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với cá, tốt nhất là chọn cá còn đang quẫy nước. Nếu cá chết, cần chọn cá còn nhớt bóng, mắt cá trong, vảy cá không bị rời, mang cá hồng, ấn ngón tay vào thịt cá không để lại vết lõm. Các loại rau nên chọn mua tại nơi uy tín, hoa quả tươi phải đúng mùa vụ, còn cuống và lá xanh.

Thực phẩm chế biến sẵn nên mua ở những cửa hàng có uy tín, đồ hộp nên mua đồ hạn sử dụng còn dài, ghi rõ nhà sản xuất, nước sản xuất, vỏ không móp méo, không phồng, không rỉ sét.

Cần phải ăn chín uống sôi, thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Các loại thịt nên được xát muối cho sạch lớp bên ngoài, chần nước sôi khử mùi hôi và vi khuẩn. Vệ sinh dụng cụ chế biến như dao, kéo, thớt...

Các loại rau phải rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối pha loãng khoảng 20-30 phút, hạn chế ăn sống. Khi chế biến phải lưu ý không để thức ăn sống đặt lẫn với thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ (dao, thớt…) cho thức ăn sống và chín.

Bảo quản đúng cách

Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay, không để quá 2 tiếng. Nếu để lâu hơn, nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh bằng các hộp, hoặc giấy nilon bảo quản, khi ăn phải hâm kỹ lại. Tránh để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh, ngay cả với thức ăn chín.

Thực phẩm phải bảo quản với nhiệt độ phù hợp. Thịt, cá tươi nên rửa sạch cất vào ngăn đông, chia thành nhiều phần đủ cho một bữa ăn, nhằm tránh tình trạng lấy thực phẩm ra rã đông rồi cất trở lại. Các loại rau củ tươi để vào ngăn đựng rau củ, bọc kín thành các túi riêng.

Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn, vì vậy cần phải vệ sinh thường xuyên, nếu không tủ lạnh lại là nơi phát sinh bệnh tật. Tránh để tồn đọng quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh, gây quá tải cho tủ lạnh khiến nhiệt độ lạnh không đảm bảo, thức ăn dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, trước và sau khi chế biến cần lau dọn sạch sẽ khu vực chế biến thức ăn, bếp nấu, rửa tay sạch trước khi nấu ăn.

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản

1562/TTYT-KD

Yêu cầu báo giá Test khí máu

Lượt xem:35 | lượt tải:31

DSHTTHKCB

Danh sách người hoàn thành quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Lượt xem:65 | lượt tải:42

THUCHANH_T10_L2

Danh sách người thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (T10/2024 đợt 2)

Lượt xem:85 | lượt tải:58

1393/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:82 | lượt tải:58

1375/TTYT-KD

Về việc cung cấp báo giá máy giặt

Lượt xem:149 | lượt tải:74
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay6,186
  • Tháng hiện tại131,230
  • Tổng lượt truy cập11,839,348
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây