Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Giai đoạn tiền tăng huyết áp (bắt đầu tăng huyết áp): Giá trị nằm giữa huyết áp bình thường và tăng huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89mmHg).
Tăng huyết áp, khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, huyết áp mục tiêu (huyết áp chuẩn nhất) là 120/80mmHg.
Tăng huyết áp gây nguy cơ tai biến như đột quỵ
Một số biến chứng chính của tăng huyết áp
Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp, cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê mới biết là bị tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp rất khó phát hiện, 90% không có biểu hiện điển hình, một số trường hợp có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức nhẹ ở ngực, hay nặng sau gáy... Một số trường hợp khi huyết áp tăng quá cao dẫn đến những biến chứng cấp, lúc đó bản thân hoặc người nhà mới biết bị tăng huyết áp. Trong thực tế, nếu tăng huyết áp kéo dài và không được điều trị sẽ gây các biến chứng về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim... Tăng huyết áp có thể gây biến chứng về não như xuất huyết não, nhũn não và thận cũng sẽ bị ảnh hưởng khi bị tăng huyết áp kéo dài như suy thận. Tăng huyết áp có thể làm tổn thương đáy mắt thể hiện như mắt mờ, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị. Ngoài ra, tăng huyết áp còn có thể gây biến chứng về mạch máu như phình hoặc phình tách thành động mạch...
Người tăng huyết áp cần ăn nhiều rau củ.
Tại sao khi thời tiết lạnh, nguy cơ tăng huyết áp gia tăng?
Chúng ta biết huyết áp là lực của máu tác động lên tim và thành động mạch, vì vậy, khi thời tiết lạnh sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co thành mạch, từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Nếu một người đang bị tăng huyết áp, gặp lạnh đột ngột (vừa nằm trong chăn, thức dậy bị lạnh đột ngột, hoặc người bị tăng huyết áp tắm, rửa nước lạnh hoặc người bị tăng huyết áp ra khỏi nhà khi nhiệt độ ngoài trời thấp...) rất dễ làm huyết áp tăng đột ngột. Trời lạnh sẽ làm tăng huyết áp, nếu lạnh đột ngột sẽ còn nguy hiểm hơn, huyết áp đột ngột gia tăng do co mạch đột ngột. Người bị tăng huyết áp bị lạnh đột ngột sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh, mất nhiệt, càng bị nhiễm lạnh cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co mạnh làm cho huyết áp tăng cao đột ngột. Nếu không xử trí kịp thời có thể gây tai biến như đột quỵ, hôn mê, tử vong.
Lời khuyên của thầy thuốc
Tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ, nhất là khi bị lạnh đột ngột, vì vậy, muốn phòng ngừa đột quỵ, người cao tuổi và những người bị bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình (đo huyết áp ngày một lần hoặc ít nhất tuần một lần). Nên loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, cà phê, uống rượu bia, ăn mặn, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ...
Đối với những người đang bị tăng huyết áp, cần tuân thủ việc dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Có nghĩa là phải uống thuốc điều trị tăng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, tuyệt đối không tự động tăng hoặc giảm bớt liều hoặc tự động thay đổi thuốc và không được quên uống thuốc mỗi ngày. Thuốc điều trị tăng huyết áp có nhiều nhóm, trong mỗi một nhóm có nhiều biệt dược khác nhau, trong khi đó hầu như loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, nhưng may mắn là có loại chỉ có tác dụng với người này mà không gây tác dụng phụ cho người khác. Vì vậy, người được điều trị bệnh tăng huyết áp lần đầu, sau khi uống thuốc, nếu có tác dụng phụ cần liên hệ với bác sĩ khám bệnh hoặc tự động đến khám lại để bác sĩ có sự điều chỉnh thuốc sao cho hợp lý.
Cần tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng và trời lạnh chỉ nên tập trong nhà như đi lại, tập các động tác thể dục buổi sáng, hít sâu thở ra, xoa bóp các khớp xương...
Nên làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp đột ngột khi lạnh?
Để phòng bệnh tăng huyết áp đột ngột, mọi người, đặc biệt là người cao tuổi đang mắc bệnh tăng huyết áp, khi trời lạnh nên ở trong phòng kín gió, tránh gió lùa và nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm, nhất là lúc trời lạnh hoặc có kèm theo mưa, gió. Nếu công việc không thể không đi ra khỏi nhà cần mặc ấm cho toàn cơ thể (áo quần đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay, chân đi tất ấm, đầu đội mũ, chân đi giày và đeo khẩu trang).
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn