Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Cụm công trình Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch do GS.TS Phạm Minh Thông, PGĐ BV Bạch Mai cùng các cộng sự thực hiện từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2014 vừa giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016. Cụm 3 công trình này gồm: 1. Công trình ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang. 2. Công trình ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị phình động mạch não. 3. Công trình ứng dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ xung khuếch tán và tưới máu trong chẩn đoán sớm và tiên lượng nhồi máu não cấp. |
GS. Thông cho biết, hiện nay kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang (ĐMCXH) đã được áp dụng thành công ở nhiều Trung tâm Điện quang can thiệp của cả nước. Ngoài vật liệu là bóng tách rời, vòng cuộn kim loại đã được đưa vào sử dụng. Nhiều BN đã được chữa khỏi bằng phương pháp điện quang can thiệp không phẫu thuật này. Kỹ thuật này đã thay thế hoàn toàn phẫu thuật trong điều trị bệnh thông ĐMCXH do chấn thương ở VN, kỹ thuật rất ít tai biến và biến chứng, đã cứu sống hàng nghìn BN.
Thông ĐMCXH là một bệnh lý khá thường gặp ở các nước đang phát triển nơi có nhiều tai nạn giao thông với tốc độ thấp. Động mạch cảnh trong bị vỡ ở đoạn trong xoang hang gây ra các triệu chứng kinh điển như: ù tai, lồi mắt, cương tụ kết mạc, giảm thị lực ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người bệnh, đòi hỏi biện pháp điều trị triệt để, an toàn. Ở VN, trước năm 1999, phương pháp điều trị duy nhất với các thông ĐMCXH lưu lượng lớn là phẫu thuật. Cũng như một số nước khác trên thế giới, ở VN các kỹ thuật này cũng gặp phải những biến chứng do hạn chế của bản thân các phương pháp điều trị: khả năng thành công không cao, có khả năng gây các biến chứng, di chứng nặng nề, thậm chí tử vong…
Cuối năm 1999, tại BV Bạch Mai, GS. Thông lần đầu tiên ứng dụng các kỹ thuật nút mạch qua đường động mạch để điều trị thông ĐMCXH. Mặc dù, vật liệu nút mạch ban đầu còn nhiều hạn chế nhưng các kết quả ban đầu tỏ ra đầy khích lệ: tỷ lệ thành công cao, không có biến chứng nặng, loại trừ yếu tố may rủi trong thủ thuật… Kỹ thuật này được phát triển nhanh chóng và đã được chuyển giao cho nhiều BV lớn trong cả nước.
GS.TS Phạm Minh Thông.
Nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại
Kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị phình mạch não - một kỹ thuật khó nhất trong can thiệp thần kinh, kỹ thuật cao, ít xâm lấn được chuyển giao thành công trong cả nước đã tiết kiệm cho nước ta nhiều ngoại tệ. BN trước đây phải ra nước ngoài điều trị tốn rất nhiều tiền thì nay đã được điều trị tại VN.
Phình động mạch não là một bệnh khá thường gặp, chiếm khoảng 1,5 đến 8% dân số ở các nước đang phát triển. Phần lớn các trường hợp không có triệu chứng và không được phát hiện. Đa số các trường hợp được phát hiện khi có biến chứng vỡ túi phình động mạch và gây chảy máu dưới nhện, chiếm khoảng 50-70% các trường hợp chảy máu dưới nhện. Đây là biến chứng rất nguy hiểm. Có khoảng 15% các trường hợp chảy máu dưới nhện tử vong trước khi đến bệnh viện, 20% trường hợp có chảy máu tái phát trong 2 tuần đầu và khi đã chảy máu tái phát thì tỉ lệ tử vong và tàn tật khoảng 50%. Do vậy, điều trị loại bỏ túi phình khỏi vòng tuần hoàn sau khi đã vỡ càng sớm càng tốt.
Theo GS. Thông, trước đây, chẩn đoán xác định có túi phình và định hướng điều trị dựa vào ảnh chụp mạch số hóa xóa nền. Tuy nhiên, đây là phương pháp xâm nhập và có tỉ lệ tai biến khoảng 0,05%. Khắc phục nhược điểm này, bằng phương pháp chụp mạch não cắt lớp vi tính đa dãy, có thể tiến hành rất nhanh, chẩn đoán chính xác với độ nhạy và đặc hiệu cao và có thể định hướng lựa chọn phương pháp điều trị, đây đã được xem là phương pháp thay thế chụp mạch não số hóa xóa nền để chẩn đoán phình mạch não.
Điều trị loại bỏ túi phình khỏi vòng tuần hoàn tránh chảy máu hoặc chảy máu lại bằng phẫu thuật, can thiệp nội mạch. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, điều trị phẫu thuật có ưu điểm tránh được tái thông túi phình, và chỉ định tốt khi có khối máu tụ và dẫn lưu não thất. Tuy nhiên, phương pháp này có tỉ lệ di chứng tử vong và hồi phục lâm sàng kém hơn so với can thiệp nội mạch chiếm 30,6%. Hơn nữa, phẫu thuật kẹp cổ túi phình khó khăn khi phình mạch não vỡ trong 2 tuần đầu vì liên quan phù não và co thắt mạch.
“Trên thế giới hiện nay ở hầu hết các trung tâm đều ưu tiên lựa chọn phương pháp can thiệp nội mạch vì có thể can thiệp được sớm và tỉ lệ hồi phục tốt hơn. Phương pháp điều trị nút túi phình động mạch não bằng coils qua can thiệp nội mạch ngày càng phát triển là bước tiến đã được ghi nhận dựa trên bằng chứng xác thực, chỉ định hợp lý và kỹ thuật can thiệp nội mạch”- GS. Thông chia sẻ.
Tại Việt Nam, tiến hành can thiệp nội mạch nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại được bắt đầu tiến hành từ năm 2001 tại BV Bạch Mai và đã được GS. Thông nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV lớn trong cả nước từ Hà Nội đến Đà Nẵng, TP.HCM. Kỹ thuật nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại ít biến chứng và tai biến, tỷ lệ hồi phục không di chứng cao và đã được chuyển giao thành công cho nhiều nơi, đã thay thế phẫu thuật trong nhiều trường hợp, thậm chí các túi phình không thể phẫu thuật đều có thể can thiệp điều trị được. Rất nhiều BN đã được cứu sống nhờ kỹ thuật này mà không cần phẫu thuật.
Chụp cộng hưởng từ tưới máu và khuếch tán
Đây là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả khi lựa chọn BN điều trị. Tỷ lệ thành công cao về mặt kỹ thuật (100% đối với chuỗi xung khuếch tán, 97,8% đối với chuỗi xung tưới máu).
GS. Thông cho hay, tai biến mạch máu não (TBMMN) mà trong đó nhồi máu não (NMN) chiếm tới 85% trong tổng trường hợp tai biến, đang và sẽ là một vấn đề thời sự của y học hiện đại vì mức độ thường gặp và hậu quả nặng nề để lại cho BN, cho gia đình và xã hội. Hiện nay, TBMMN đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ gây tàn phế, là nguyên nhân thứ hai dẫn tới sa sút trí tuệ sau bệnh Alzheimer, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư.
Trên toàn thế giới, năm 1990, bệnh lý mạch máu não gây tử vong 4,3 triệu người. Ở Mỹ, tần suất nhồi máu não hiện nay là khoảng trên 750.000ca/năm, và khoảng 25% con số này tử vong trong năm đầu. Tần suất bệnh lý này tăng dần theo tuổi và có xu hướng ngày càng tăng. VN là một nước đang phát triển và tuổi thọ ngày càng tăng kèm theo sự gia tăng các bệnh lý tim mạch, huyết áp và tiểu đường cũng sẽ không nằm ngoài quy luật. Trong những năm gần đây, nhờ có tiến bộ trong điều trị NMN, đặc biệt là điều trị theo cơ chế bệnh sinh để giải quyết nguyên nhân như tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch, đường động mạch hay lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã mang lại những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực điều trị bệnh lý này.
“Vấn đề đặt ra là nhu mô não rất nhạy cảm với sự thiếu oxy, chỉ cần trong một thời gian ngắn không cung cấp đủ oxi các tế bào thần kinh sẽ mất chức năng, vì vậy việc điều trị ngay trong những giờ đầu là một trong những nhân tố quyết định thành công. Muốn điều trị được sớm không chỉ là nhiệm vụ của các nhà thần kinh học mà là sự phối kết hợp của các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, bên cạnh đó còn phải kết hợp thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức người dân để họ có thể tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt. Đối với chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có một phương pháp chẩn đoán sớm, nhanh và chính xác vùng nhồi máu, vị trí mạch não bị tắc và đánh giá tính sống còn của nhu mô não để có phương pháp điều trị thích hợp. Cộng hưởng từ, trong đó các xung khuếch tán (diffusion), xung tưới máu (perfusion) và cộng hưởng từ mạch não đáp ứng được các yêu cầu bức thiết trên”- GS. Thông phân tích.
Chụp cộng hưởng từ tưới máu và khuếch tán cho phép chẩn đoán xác định sớm nhồi máu não, kết hợp với xung TOF 3D cho phép đánh giá vị trí tắc mạch để có quyết định điều trị tiêu sợi huyết theo đường tĩnh mạch hay lấy huyết khối theo đường động mạch. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán nhồi máu não sớm cũng đã được chuyển giao cho một số BV trung ương và tuyến tỉnh, giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cứu sống nhiều BN.
Có thể nói, cụm 3 công trình của GS.TS Phạm Minh Thông có đóng góp to lớn về ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ sức khỏe cộng đồng, mở ra một chuyên ngành sâu trong ngành Chẩn đoán hình ảnh là Điện quang can thiệp thần kinh, đưa trình độ của ngành Điện quang can thiệp ngang bằng các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia và thậm chí có thể sánh với các nước phát triển trên thế giới, góp phần xây dựng, phát triển nền Y học Việt Nam XHCN.
Tác giả: Dương Hải
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & đời sống
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn