Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Được đánh giá cao về tinh thần, thái độ phục vụ, Bệnh viện Y học cổ truyền từng được ví như “hòn nam châm” thu hút bệnh nhân. Đã có thời kỳ bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện quỹ định suất BHYT thì số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện giảm một cách đột biến.
Bệnh nhân thường được chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trong tình trạng nặng nên khó khăn trong phục hồi tổn thương. |
Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bùi Thị Mai Hương cho biết: Là bệnh viện tuyến trên nên lâu nay lượng bệnh nhân chủ yếu phụ thuộc từ tuyến dưới chuyển lên. Từ khi các đơn vị tuyến dưới thực hiện định suất thì bệnh nhân chuyển tuyến rất hạn chế. Lượng bệnh nhân ít, gây khó khăn cho hoạt động của bệnh viện vì không có nguồn thu để tái đầu tư. Mặc dù rất nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ như: thực hiện Thông tư 08 của Bộ Y tế về KCB ban đầu; đầu tư các kỹ thuật chuyên sâu; lắp điều hòa tất cả các buồng bệnh để thu dung bệnh nhân… nhưng, do số thẻ BHYT ít (chưa đến 5.000 thẻ) nên bệnh viện chỉ triển khai khoán quỹ ngoại trú chứ không dám điều trị nội trú. Mặt khác, việc phát triển các dịch vụ chuyên sâu, quy định về cách tính phí cũng còn bất cập. Bệnh viện đã nỗ lực phát triển chuyên môn kỹ thuật với hy vọng được nâng giá trần BHYT, nâng cao chất lượng KCB cho bệnh nhân nhưng chưa giải quyết được.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi càng khó khăn gấp bội. Khó khăn không chỉ vì ít bệnh nhân mà còn là tình trạng mất bệnh nhân. Các bác sỹ điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết, kể từ khi thực hiện quỹ định suất, các bệnh viện tuyến dưới đã có dấu hiệu giữ bệnh nhân. Thời điểm cao nhất chỉ 70-80 bệnh nhân; có thời điểm, toàn bệnh viện chỉ có 30 bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển tuyến chủ yếu bị tổn thương nặng, hoặc rất nặng; số còn lại đến theo hình thức tự nguyện chứ không được chuyển BHYT.
Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trương Hồng Lĩnh cho biết: Các bệnh viện tuyến dưới giữ bệnh nhân để điều trị và điều trị được là rất tốt vì sẽ giúp họ giảm được chi phí đi lại và chăm sóc. Tuy nhiên, lo ngại nhất là giữ không đúng. Nhiều bệnh nhân chuyển lên trong tình trạng quá nặng, rất khó khăn trong phục hồi tổn thương. Từ khi thực hiện Quyết định 2357 của Bộ Y tế, mạng lưới phòng chống lao đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Hiện, tất cả các bệnh viện tuyến huyện chưa có bác sỹ chuyên khoa; chưa thực hiện được chẩn đoán lao âm tính và lao ngoài phổi. Do đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đề nghị các đơn vị chuyển bệnh nhân lên để kiểm tra chính xác, sau đó quay về cơ sở KCB ban đầu điều trị; nhưng thực tế không có cơ sở KCB nào chuyển bệnh nhân theo hình thức BHYT (vì liên quan đến thanh toán), số ít bệnh nhân được giới thiệu lên để kiểm tra lại nhưng cũng theo hình thức tự nguyện...
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện quỹ BHYT theo định suất không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của một số cơ sở KCB ban đầu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên. Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ đối với ngành Y tế để tạo điều kiện cho các cơ sở KCB thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khai thác nguồn lực y tế chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Tác giả: Biện Nhung
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh