Trong một nghiên cứu, 94% người tham gia bị bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemia hay ALL) cho biết các triệu chứng của họ biến mất hoàn toàn, sau khi được điều trị bằng các tế bào máu biến đổi, được gọi là tế bào T. Ở một nghiên cứu khác, 80% bệnh nhân bị ung thư hạch bạch huyết có các phản ứng tích cực trong điều trị, với hơn ½ người không còn bất cứ triệu chứng bệnh nào.
“Điều này thật sự bất thường và chưa từng có trong lịch sử y học”, nhà nghiên cứu, giáo sư Stanley Riddell thuộc Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) cho biết. Để điều trị theo phương pháp này, các nhà khoa học đã tiến hành loại bỏ những tế bào T của bệnh nhân, buộc chúng “thụ thể” với các phân tử nhắm đến ung thư, sau đó đưa chúng trở lại cơ thể dưới dạng dịch truyền. Những phân tử thụ thể đó được gọi là thụ thể kháng nguyên khảm (CARs), lấy từ chuột biến đổi gen. Khi gắn vào các tế bào T, chúng làm giảm khả năng của các tế bào ung thư trong việc cố gắng ‘né’ khỏi hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Việc tái thiết lập hệ thống miễn dịch như vậy thường được xem là lựa chọn cuối cùng, do ảnh hưởng của các tác dụng phụ nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng 7 bệnh nhân ALL hiện đang nhận được sự chăm sóc đặc biệt sau khi bị một phản ứng miễn dịch gọi là hội chứng phóng thích cytokine (SCRS). Hai trong số những bệnh nhân này đã tử vong. Riddell cho rằng các nhà khoa học trong thời gian tới cần phải tích cực làm việc hơn nữa, dù kết quả hiện tại là rất khả quan. Họ vẫn chưa thể nhận định liệu các bệnh nhân được cho là đã khỏi có còn khả năng tái phát hay không và đó là vấn đề cần giải quyết.
“Cũng giống như hóa trị và xạ trị, nó không thể cứu sống tất cả mọi người”, Riddell nói thêm. “Tôi nghĩ liệu pháp miễn dịch cuối cùng đã chứng tỏ nó là trụ cột của điều trị ung thư”. Ngoài ra, ông cũng hy vọng phương pháp này có thể dùng để đối phó với các khối u, nhưng đó rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ.