Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Tại sao Bộ Y tế lại chọn chủ đề truyền thông cho Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam năm nay- 1/7/2021 là "Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19" thưa ông?
TS Lê Văn Khảm: Mỗi năm Bộ Y tế đưa ra chủ đề phù hợp với bối cảnh thực tiễn để tạo sự quan tâm, ủng hộ và cùng nhau hành động của cơ quan, tổ chức cho đến người dân tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân., mọi người đều được chăm lo sức khỏe.
Quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho khám chữa bệnh. Quỹ BHYT thực sự đã và đang là nguồn lực rất quan trọng cho công tác khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT.
Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được đảm bảo tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh, tập trung thêm nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng cho các lĩnh vực y tế cộng đồng, phòng chống dịch COVID-19.
Người tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh, khi phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế liên quan đến phòng chống COVID-19, nếu các dịch vụ đó không thuộc ngân sách đảm bảo, sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.
Như vậy, người tham gia BHYT có điều kiện được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, để từ đó bảo vệ, nâng cao sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Từ những lý do trên đây, ngày 1/7 năm nay, Bộ Y tế chọn chủ đề truyền thông cho Ngày BHYT Việt Nam là "Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".
Ông đánh giá vai trò của BHYT đối với người dân trong đại dịch COVID-19 như thế nào?
TS Lê Văn Khảm: Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nhiều trường hợp phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán COVID-19 đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi, cả test nhanh và PCR. Bên cạnh đó, trong số những người mắc COVID-19, nhiều người có kèm bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, chaỵ thận nhân tạo, suy thận… nếu tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao co chi phí lớn.
Như vậy việc điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân cùng với điều trị COVID-19 từ nguồn lực của Quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, góp phần vào đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Thứ nhất, quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.
Thứ hai, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến
Hoặc có trường hợp bệnh nhân không thể lên tuyến TW mà tình trạng bệnh đã được xác định, theo dõi và bệnh viện tuyến TW đã nắm được, trong trường hợp bệnh viện tỉnh không có thuốc phù hợp với chỉ định thì bệnh viện tuyến TW có thể chuyển về cấp cho bệnh nhân.
Có thể nói những ứng xử, điều chỉnh của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh đã rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện nhiều trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán COVID-19 đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi cả test nhanh và PCR.
Thưa ông được biết tới đây Luật BHYT sẽ sửa đổi, vậy nội dung sửa đổi tập trung vào những chủ đề gì, thưa ông?
TS Lê Văn Khảm: Từ những điều tôi đã nói ở trên đặt ra vấn đề tới đây khi sửa đổi Luật BHYT thì cũng phải chú ý đến các tình huống liên quan đến dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm (như COVID-19) để điều chỉnh phù hợp về quyền lợi của người tham gia BHYT, cách tiếp cận cơ sở y tế và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho những người công nhân bị tạm dừng công việc, không được hưởng lương trong thời kỳ dịch bệnh (gián đoạn quá trình đóng BHYT).
Chúng ta cần có điều chỉnh trong Luật để làm sao trong tình huống đó người lao động vẫn được tham gia BHYT liên tục, đồng thời doanh nghiệp cũng không bị áp lực vừa đảm bảo đóng BHYT cho người lao động vừa duy trì sản xuất.
Đồng thời, một vấn đề nữa cũng nên hướng đến là phạm vi quyền lợi liên quan đến dịch vụ y tế dự phòng trong đó có việc sử dụng vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc 1 số trường hợp bắt buộc khác với người tham gia BHYT. Kể cả khám sức khoẻ định kỳ, dịch vụ dự phòng và vắc xin phòng bệnh.
Tức là chúng ta phải nghĩ đến, hướng đến việc sửa đổi Luật phải phù hợp với thực tiễn và xu hướng trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Những tin cũ hơn